MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, mục tiêu lợi nhuận tăng 20%
TCDN - Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021, tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng tăng khoảng 16%.
Sáng ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã cổ phiếu MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên.
Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng, nhưng cũng là “đòn bẩy” để MB triển khai quyết liệt các kế hoạch kinh doanh đã đặt ra trên tinh thần đẩy mạnh chuyển đổi số.
Năm 2021, MB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 16.527 tỷ đồng, tăng gấp 4,53 lần so với 2016. Theo đó, MB vượt qua mục tiêu về lợi nhuận, đạt TOP 4 toàn ngành Ngân hàng trong bối cảnh chỉ tiêu năng suất lao động tăng 50%, đạt 1,51 tỷ đồng/người.
Với kết quả kinh doanh năm 2021 tốt, MB đã đệ trình và được ĐHĐCĐ MB thông qua mức chia cổ tức cho năm 2021 là 20%. Bước sang năm 2022, MB tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% (riêng ngân hàng là 17.300 tỷ đồng, tăng 20%).
Kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng được MB trình tới cổ đông trong đại hội. Trong đó, ngân hàng sẽ chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) để tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn thêm 892,4 tỷ đồng mà đại hội trước đã thông qua.
Đồng thời, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương đương với tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Nội dung nổi bật khác được thông qua tại Đại hội liên quan đến việc MB nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Theo Ban lãnh đạo MB, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật, đồng thời giúp MB có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 – 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới, gia tăng lợi ích cổ đông.
Trước những băn khoăn của cổ đông về việc sáp nhập tổ chức tín dụng này, ông Lưu Trung Thái- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc MB cho biết: Nhà nước sẽ hỗ trợ một số biện pháp để giải quyết vấn đề lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng chuyển giao bắt buộc này.
"Việc nhận chuyển giao bắt buộc không phải là việc dễ dàng nhưng chúng ta được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước và dự án có ích cho xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng dài hạn sẽ đem lại không gian phát triển cho MB, mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5-2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới...", ông Lưu Trung Thái khẳng định.
Tuy danh tính ngân hàng nhận chuyển giao vẫn chưa được tiết lộ nhưng sau khi nhận chuyển giao bắt buộc MB và tổ chức tín dụng bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng. Báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ không phải hợp nhất cho tới khi MB quyết định sáp nhập với tổ chức tín dụng này.
Trước đó, tờ trình cổ đông của MB cho biết đã tìm kiếm và nghiên cứu cơ hội tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng và hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân. Việc này thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc; tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.
Tại đại hội, nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng khác của MB cũng được thông qua. Cụ thể, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với năm 2021, đạt 20.300 tỷ đồng. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế theo kịch bản dự kiến tăng 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước.
Dự kiến tổng tài sản năm 2022 tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% theo giới hạn tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899