Mở rộng “cánh tay” bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng
TCDN - Nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng một cách sâu rộng hơn, Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tổ chức lễ ra mắt Chi nhánh Hà Nội.
Chiều 12/1, Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Chi nhánh Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và pháp lý- Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng Dương Thị Kim Yến cho rằng, hiện nay, mức độ phát triển và văn minh của một quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, của thu nhập bình quân đầu người mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi của pháp luật. Do đó, pháp luật về quyền của người tiêu dùng và của doanh nghiệp luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thương mại của các quốc gia phát triển và đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế.
“Chúng tôi cho rằng, trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan pháp luật khác nhau để xử lý vi phạm tùy theo đối tượng thực hiện hành vi. Đặc biệt, phải lưu ý đến quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về bảo về quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, với đường hướng phát triển và kế hoạch hoạt động, Viện sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực”, bà Yến nói.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Quý, để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Bởi nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao. Điều này buộc các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Quý nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng thì cần chú trọng nhiều đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ thay vì quảng cáo quá mức về công dụng của sản phẩm. Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể có được niềm tin của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, cần sự tham gia chủ động hơn của doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Và để công cuộc này có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn, vai trò then chốt nằm ở kênh thông tin tiếp nhận, phản ánh về pháp luật giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có nơi để tìm tới, được hướng dẫn, được bảo vệ. Đây chính là nhiệm vụ chính cần phát huy của Viện Nghiên cứu Pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Quý cho biết thêm.
Cũng tại lễ ra mắt này, Viện Nghiên cứu Pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng đã ký kết các biên bản hợp tác với các đơn vị như Hội Truyền thông số Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam./.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899