Một số ngân hàng thu phí, ràng buộc khi doanh nghiệp vay vốn

20/07/2023, 19:30
báo nói -

TCDN - Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng nói rất nhiều lần là hiện nay lãi suất là một chuyện, nhưng cũng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc khác, hợp đồng khác. Tình trạng này cũng cần rà soát và khắc phục trong thời gian tới.

Chiều 20/7 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

TS Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay ngân hàng nên hướng tín dụng vào các lĩnh vực như sau. Thứ nhất, 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai là tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bây giờ những gì chúng ta đang xuất khẩu tốt, ta cần vốn thì phải bơm vốn ngay. Chúng ta có gói 15 nghìn tỷ với lâm thủy sản là như vậy. Và kể cả gạo, nếu như gạo chúng ta đang xuất khẩu tốt, cà phê xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới. Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở. Thấy rất rõ là có những gói tín dụng đang ưu tiên cho lĩnh vực này.

dau-anh-tuan-1

Thứ ba theo TS Cấn Văn Lực là lĩnh vực tiêu dùng. "Thông điệp của Chính phủ rất rõ, bây giờ phải kích cầu tiêu dùng. Chúng ta linh hoạt và phù hợp điều kiện cho vay tiêu dùng. Bây giờ khâu tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi", TS Cấn Văn Lực nói.

Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mặt bằng lãi suất cũng là một câu chuyện, câu chuyện quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

“Phải nói rằng hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang là một vấn đề gay go, có nhiều yếu tố tác động đến thực trạng này. Trước hết là thị trường trong và ngoài nước, thị trường xuất khẩu hiện nay đối với một số ngành hàng đang giảm. Rõ ràng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh cầm chừng với mức độ chiếm tỉ trọng tương đối so với nhiều năm ở mức độ trung bình thấp, hoặc là thấp thì rõ ràng nhu cầu vay vốn, khả năng vay vốn chắc chắn phải rất cân nhắc”, ông Tuấn cho hay.

Do đó, theo ông Tuấn rõ ràng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Ngành hàng nào khả năng tăng trưởng còn cao thì phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Những gói tín dụng, dòng vốn tập trung vào những ngành hàng này là yếu tố rất quan trọng.

Trong bối cảnh ấy, ông Tuấn cho rằng, các ngân hàng, ngành hàng cần chủ động, ngành hàng nào rất tiềm năng thì cần chủ động có chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp. Thậm chí ngành hàng nào tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, có thể đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng này. Đấy là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

“Một điều nữa là có nhiều doanh nghiệp cũng nói rất nhiều lần là hiện nay lãi suất là một chuyện, nhưng cũng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc khác, hợp đồng khác. Tình trạng này cũng cần rà soát và khắc phục trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.

Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, để cho chương trình tiền tệ tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng. Ông Tuấn dẫn chứng, chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế GTGT chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn. Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Một số ngân hàng thu phí, ràng buộc khi doanh nghiệp vay vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan