Mỹ đàm phán căng thẳng nâng trần nợ công lên hơn 31 nghìn tỷ USD

11/05/2023, 10:44
báo nói -

TCDN - Ngày 10/5, Chính phủ Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán chi tiết về việc nâng trần nợ 31,1 nghìn tỷ USD với việc đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì quan điểm cắt giảm chi tiêu, một ngày sau cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng giữa Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy.

Thời gian còn lại cho nước Mỹ rất eo hẹp để có thể tránh một vụ vỡ nợ lịch sử, gây bất ổn về kinh tế, mà Bộ Tài chính đã cảnh báo có thể xảy ra ngay sau ngày 1/6, theo Kinh tế đô thị.

Bế tắc đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Mỹ lên mức cao kỷ lục. Phố Wall ngày càng lo ngại hơn về những rủi ro của một vụ vỡ nợ chưa từng có.

Cũng trong ngày 10/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng nguồn thu thuế của chính phủ trong tháng 4 có xu hướng giảm, cùng với chi tiêu cao hơn, có thể gây thêm áp lực buộc Quốc hội phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận giới hạn nợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban phi lợi nhuận về Ngân sách Liên bang cho biết: "Nếu các nhà lập pháp cần một hồi chuông cảnh tỉnh, thì đây chính là tin đó. Doanh thu thuế ít ỏi chính là loại tin tức mà chúng ta không cần bây giờ".

Bà lưu ý rằng tháng 4 là một trong số ít lần Kho bạc Mỹ ghi nhận thặng dư "và khoản thặng dư 176 tỷ USD sẽ quá khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta vay 4,2 tỷ USD mỗi ngày trong năm tài chính này."

Ông Biden ra dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Đảng Cộng hòa nhằm thu lại một số tiền chưa sử dụng để cứu trợ Covid-19, trị giá dưới 80 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà Trắng nhắc lại sự ủng hộ đối với luật thúc đẩy chính phủ cấp phép cho các dự án năng lượng bằng cách đặt ra các mốc thời gian tối đa.

Ông Biden và các đảng viên Cộng hòa đối lập đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng về mức trần nợ, trong đó đảng Dân chủ kêu gọi tăng nợ "sạch" mà không cần có điều kiện trả nợ từ chi tiêu và cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua.

Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bàn về trần nợ công của Mỹ hôm 9/5 không mang lại kết quả nào, ngoài việc thỏa thuận gặp nhau lần nữa vào ngày 12/5, theo Sài gòn Giải phóng.

Báo chí Mỹ cho rằng việc giải quyết vấn đề này sẽ quyết định ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy, ai là nhân vật thống trị ở Washington trong 2 năm tới. Nếu 2 người không đạt được thỏa thuận nào, sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ quốc gia vào ngày 1/6, tác động sâu sắc đến nền kinh tế Mỹ và cuộc bầu cử năm 2024. Tác động nghiêm trọng nhất đối với việc vỡ nợ sẽ là hàng triệu người Mỹ mất việc làm, mất trợ cấp và an ninh kinh tế bị xói mòn.

Thị trường có thể lao dốc, suy thoái có thể xảy ra. Một vụ vỡ nợ sẽ làm tăng vĩnh viễn lãi suất vay của Mỹ. Để đổi lấy việc tăng trần nợ, ông McCarthy - dưới áp lực của nhiều phần tử cực đoan và những người bảo thủ tài chính, đang yêu cầu cắt giảm ngân sách lớn để hạn chế chi tiêu của chính phủ, nhất là cho chương trình nghị sự của ông Joe Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu. Ngược lại, Tổng thống Joe Biden chỉ trích đảng Cộng hòa gắn với chủ nghĩa cực đoan của cựu Tổng thống Donald Trump và lấy nền kinh tế làm con tin bằng cách từ chối nâng giới hạn nợ trần ngay lập tức.

Điểm chung là không ai muốn bị cáo buộc gây ra tình trạng khủng hoảng về chính trị và kinh tế. Vì vậy, theo các nhà phân tích, ông Joe Biden và ông McCarthy sẽ tìm một thỏa hiệp đủ để tránh nguy hại cho nước Mỹ, nhưng không đủ để bên nào giành thế thượng phong. Nhiều dấu hiệu cho thấy lưỡng viện Quốc hội Mỹ có thể thông qua việc tăng trần nợ công ngắn hạn để tránh khủng hoảng. Nhưng sau đó, cuộc đối đầu sẽ tiếp tục.

Minh Sơn (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Mỹ đàm phán căng thẳng nâng trần nợ công lên hơn 31 nghìn tỷ USD tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào tháng 6
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính và có nguy cơ vỡ nợ sớm vào đầu tháng 6, nếu Quốc hội không đưa ra bất cứ hành động nào.