Trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm mạnh trong tháng 4

11/05/2023, 07:18
báo nói -

TCDN - Trong tháng 4 chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho thấy, trong tháng 4/2023, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3.

Tiếp đó, tính đến ngày 5/5/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5/2023.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31,7 nghìn tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng với giá trị 5,5 nghìn tỷ (chiếm 17% khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 26,14 nghìn tỷ (chiếm 83% khối lượng phát hành).

Với trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 5/2023, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 6/5/2023, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49,5 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến ngày công bố thông tin 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21,4 nghìn tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9,6 nghìn tỷ đồng); hàng tiêu dùng (3,7 nghìn tỷ đồng); nguyên vật liệu (2,9 nghìn tỷ đồng); ngân hàng (2,5 nghìn tỷ đồng)…

Trong kỳ báo cáo, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1,2 nghìn tỷ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu.

Theo thống kê của VNDirect, toàn thị trường có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp trong danh sách của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tổng dư nợ của các doanh nghiệp này vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu riêng lẻ toàn thị trường. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán chiếm 11,1% dư nợ toàn hệ thống.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm mạnh trong tháng 4 tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ tiếp tục gỡ khó cho thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 16/2021.