Bộ trưởng Bộ Tài chính: Doanh nghiệp có mạnh, kinh tế mới tăng trưởng và tăng thu ngân sách
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp có mạnh, thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Phù Mỹ, Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022 chúng ta về cơ bản đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế- xã hội. Kinh tế tăng trưởng đạt 8,02%; CPI được kiểm soát tốt, tăng 3,15% thấp hơn mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt cao. Thu NSNN đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (28,6%) so với dự toán, tăng 201,4 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
“Thu NSNN tăng, nhờ đó đã có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, cho an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ quan trọng khác”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách tài khóa nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế- xã hội.
Theo Bộ trưởng, hơn 3 năm qua, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 507 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 352 nghìn tỷ đồng; còn số tiền được miễn, giảm khoảng 155 nghìn tỷ đồng…
Bộ trưởng nhấn mạnh: Có thể nói, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu ngành Tài chính cho hay, năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng, những biến động kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Do đó, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, để tiếp tục hỗ trợ hơn nữa hoặc nối dài các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 35 nghìn tỷ đồng; đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí và áp dụng cho giai đoạn từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng....
“Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, do đó, mong các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp có mạnh, thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó góp phần tăng thu về cho NSNN”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách tài chính, liên tục rà soát các chính sách để kịp thời gian mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, trong đó, tập trung vào các giải pháp về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí; triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899