Năm 2023, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 5%

16/10/2023, 15:59
báo nói -

TCDN - Dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2023 không đạt nhưng dự báo tăng ở mức 5% vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á.

Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nướ được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội; việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm được quan tâm chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai;

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống tội phạm, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách tư pháp, thi hành án dân sự, nhất là xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế tiếp tục được quan tâm…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các “cơn gió ngược”, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra; Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể; Công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, hiện giờ suy giảm; Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyển thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%). Việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025.

Mặc dù tiến độ thu ngân sách nhà nước về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số, đây là những khoản thu không ổn định, bền vững; vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức.

Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ.

Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực còn hạn chế.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế. Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là kết quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; hiệu quả của việc cắt, giảm thủ tục hành chính…

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Về tăng trưởng kinh tế Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay, và cho rằng tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Và Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.

Về một số chỉ tiêu quan trọng, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu về: tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP hay năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 không đạt nhưng tăng trưởng 5% vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á; hơn nữa IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%. Có được kết quả tích cực này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc quyết liệt.

Về các quy hoạch, mặc dù đã có cố gắng đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn chậm gần 90% quy hoạch đã được phê duyệt, được thẩm định là sự cố gắng rất lớn. Hiện đã có 14 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch; trong đó có sự đóng góp và hỗ trợ của Quốc hội trong việc mà phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia và Kế hoạch sử dụng đất.

Về giải ngân kế hoạch đầu tư công, Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc chưa đạt như mong đợi nhưng đã có cải thiện so với năm 2022, đây là nỗ lực lớn của các bộ, ngành địa phương.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù đã có, tăng cường hoạt động của hội đồng vùng, cổ phần hóa và thoái.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Năm 2023, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 5% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, thay vì lệ thuộc vào độ trễ của chính sách.