Năm 2024, CPI tăng 3,63%, lạm phát tăng 2,71%

06/01/2025, 10:33
báo nói -

TCDN - Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí, giá điện, giá nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, lạm phát tăng 2,71% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, theo Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê ngày 6/1 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 tăng do 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm. Trong đó, nhóm lương thực tăng 12,19%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 15,93% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm. Nhóm thực phẩm tăng 2,7%, làm CPI chung tăng 0,58 điểm phần trăm. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,99% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 31/12/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.659,6 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 11/2024 do chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng. Trong tháng 12/2024, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,25% nhưng tín hiệu thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 đã tác động tiêu cực đến giá vàng, làm giá vàng hạ xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.

Tính đến ngày 31/12/2024, chỉ số giá USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,98 điểm, tăng 1,46% so với tháng trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao, làm đồng USD hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Cùng với đó, chính sách tiền tệ của FED duy trì lãi suất cao và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm đã góp phần đẩy giá trị đồng USD lên. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.488 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Năm 2024, CPI tăng 3,63%, lạm phát tăng 2,71% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá sáng nay (30/10), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nêu rõ: “Chúng ta phấn đấu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%".
CPI tăng do giá lương thực, thực phẩm, nhà cho thuê, học phí tăng
Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân 9h làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước.