Nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT?
TCDN - Cùng với các chính sách gia hạn về thuế, tiền thuế đất, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét giảm thuế TNDN, thuế VAT để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sống sót và dần hồi phục sau dịch Covid-19.
Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế đợt này ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.
Cụ thể, gia hạn 5 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT); gia hạn 3 tháng thuế TNDN; gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn; gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm.
Doanh nghiệp có hưởng lợi?
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” diễn ra mới đây, TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo khảo sát 151 nghìn doanh nghiệp chỉ có 17,9% nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ trong đó gói hỗ trợ thuế, phí và lệ phí nhiều nhất, tiếp đến là chính sách miễn, giảm lãi vay, phí ngân hàng…
Ông Đức Anh nhận định: “Biện pháp gia hạn thuế, tiền thuê đất quy mô nhỏ, tiến độ thực hiện chậm. Chính sách giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ (tương đương gói 15,5 nghìn tỷ đồng): Chỉ những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt được hỗ trợ, hưởng lợi. Những doanh nghiệp không có lợi nhuận vì covid không có tác động hỗ trợ.
Việc giảm một số phí, lệ phí có tác động không đáng kể. Việc gia hạn nộp thuế lợi ích thực tế chỉ tương đương tiết kiệm lãi vay 4% trên số thuế được gia hạn nộp (5 tháng), gánh nợ trả nợ thuế vẫn trên vai doanh nghiệp sau thời hạn gia hạn…”
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là hợp lý.
“Đây là một hình thức vay tín chấp không lãi trong khoảng thời gian 5 tháng. Doanh nghiệp không phải làm thủ tục vay, không phải trả lãi vay điều đó rất tốt giúp doanh nghiệp có điều kiện quay trở lại sản xuất kinh doanh được. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không có tiền hoặc có ít tiền, khi được gia hạn thời gian nộp thuế sẽ có điều kiện sử dụng nguồn kinh phí đó để trang trải chi phí trước, ổn định sản xuất”, ông Được phân tích.
Đại diện Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.
Giảm thuế TNDN, thuế VAT
Theo ông Nguyễn Văn Được, ngoài việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, cơ quan chức năng nên xem xét giảm thuế TNDN đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
“Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018. Theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17% nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa áp dụng. Doanh nghiệp vẫn đang phải nộp thuế ở mức 20%. Do vậy, cần sớm thực hiện giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo lộ trình của luật”, ông Được nói.
Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng cần kế thừa và thực hiện quy định giảm 30% thuế TNDN. Như vậy doanh nghiệp có thể được giảm tới 60% thuế TNDN. Với mức giảm này, doanh nghiệp có thể chống chọi qua giai đoạn dịch bệnh để hồi phục sau này.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Được, trong giai đoạn này, càng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội phục hồi. Cụ thể giảm 50% thuế VAT của hàng hóa dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như nhà hàng, khách sạn, hàng không, vận tải…
“Khi thuế VAT giảm, giá bán hàng giảm đi từ đó kích cầu tiêu dùng trong nước. Nếu giá mua rẻ, người dân sẽ mua nhiều hơn, nền kinh tế hoạt động trở lại và cứu được doanh nghiệp sản xuất”, ông Được dẫn chứng.
Theo đại diện VEPR, trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hang, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế nếu có thì nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch”, đại diện VEPR nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899