Ngành Hải quan: Ứng dụng CNTT toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ

06/12/2021, 16:28

TCDN - Đến nay, CNTT đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan Hải quan, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; 100% các cục Hải quan và chi cục Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

HQ100537

Trong suốt thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Đến nay, CNTT đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan Hải quan, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; 100% các cục Hải quan và chi cục Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử; thu nộp ngân sách có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trong những tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Tổng cục Hải Quan đã tích cực triển khai và có những cải cách mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến một số nội dung nổi bật sau đây:

1. Ngày 21/9/2021 của Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số theo Quyết định số 2425/QĐ-TCHQ.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Do đó việc xây dựng Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số là một trong những yêu cầu cần thiết và bức thiết để có được định hướng đúng đắn, xuyên suốt trong quá trình hiện đại hóa của Tổng cục Hải quan.

Xây dựng Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Hải quan số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan Hải quan cũng như ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.

Kiến trúc này cho phép Tổng cục Hải quan dùng lại các nền tảng của Bộ Tài chính khi sẵn sàng. Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số thể hiện rõ quan điểm chú trọng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở phân tích chiến lược phát triển cơ quan Hải quan, định hướng của Bộ Tài chính, của Chính phủ hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, mô hình liên thông nghiệp vụ, thông tin và hiện trạng công nghệ thông tin (CNTT) cơ quan Hải quan.

Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số là cơ sở để xây dựng hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hải quan số và đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Hải quan giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nâng cao mức độ tự động hóa, góp phần thúc đẩy cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2021 – 2025.

IMG_8703

2. Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động, Chỉ thị nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước như: Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhấn mạnh yêu cầu các Bộ, ngành nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030;...Trong khi đó, hệ thống CNTT hiện nay của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước không đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam. Vì vậy, việc triển khai hệ thống CNTT mới là thật sự cần thiết để thực hiện Hải quan số.

Trên cơ sở đó, ngày 26/01/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số làm cơ sở để Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số. Mục tiêu thuê dịch vụ hệ thống CNTT trong lĩnh vực hải quan là thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Hệ thống CNTT mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan.

Việc triển khai thành công thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số là một trong những động lực quan trọng đối với xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh. Nhận thức việc triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng và có tính quyết định đối việc hiện thực hoá mục tiêu mô hình hải quan thông minh, trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số đã tập trung cao độ trí tuệ, nguồn nhân lực, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt Tổ Triển khai, Tổ Tham mưu giúp việc và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng đảm bảo khoa học, chắc chắn và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 2439/QĐ-TCHQ ngày 22/9/2021. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung thực hiện thủ tục tiếp theo thuê dịch vụ CNTT như thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng.

3. Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để tích hợp các dịch vụ công trực ttuyến của ngành Hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tổng cục Hải quan đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung và cung cấp mới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 22 thủ tục hành chính. Đến hết tháng 11/2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện. Trong đó, có 209 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%).

Theo kế hoạch năm 2021 ngành Hải quan sẽ tiếp tục tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cập nhật 26/26 dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đang phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính-Văn phòng Chính phủ và Cục Tin học và Thống kê Tài chính-Bộ Tài chính thực hiện tích hợp kỹ thuật và kiểm thử. Dự kiến trong quý IV sẽ hoàn tất tích hợp tất cả 26 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2021, tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.

4. Tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

Song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy  ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đến ngày 30/11/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 4,5 triệu bộ hồ sơ của hơn 51 nghìn doanh nghiệp. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ 2014-2021), đến tháng 10/2021, số Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần.

Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 30/11/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 453.098 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 1.121.562 C/O. Sau hơn 2 năm kết nối chính thức (từ 01/2018-10/2021), đến tháng 10/2021.

Ngoài ra, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng đang nỗ lực phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm và kết nối chính thức trong năm 2021. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Ngành Hải quan: Ứng dụng CNTT toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan