Nhiều địa phương phía Nam gặp khó trong thu ngân sách

06/12/2021, 16:20

TCDN - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là 5 địa phương còn khó khăn trong công tác thu ngân sách là Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Sáng ngày 6/12, Tổng cục Thuế tổ chức họp giao ban nhằm đánh giá tình hình tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12.

Để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao trong năm 2021, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo toàn ngành Thuế thực hiện 5 nội dung trọng tâm.

Đầu tiên, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là 5 địa phương còn khó khăn trong công tác thu ngân sách là Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang cần chủ động tham mưu với địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để hoàn thành cao nhất dự toán được giao.

Thứ hai, về công tác quản lý nợ thuế lũy kế 11 tháng, Tổng cục trưởng đánh giá tổng thu nợ đạt kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, công tác quản lý, thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao, các đơn vị cần rà soát, phân tích kỹ từng khoản nợ lớn, nguyên nhân, tính chất từng khoản nợ để tham mưu Tổng cục giải pháp xử lý, thu hồi nợ hiệu quả.

Tổng cục Thuế tổ chức họp giao ban nhằm đánh giá tình hình tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12.

Tổng cục Thuế tổ chức họp giao ban nhằm đánh giá tình hình tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12.

Tại các cục thuế, tham mưu chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp để đôn đốc, thu hồi các khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ liên quan tới đất. Tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tổng hợp kết quả xử lý của toàn ngành thuế.

Hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc trong quá trình giải quyết khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Khẩn trương phối hợp với các vụ, đơn vị hoàn thiện và trình ban hành các quy trình nghiệp vụ về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Thứ ba, đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế cơ quan thuế các cấp cần khẩn trương thực hiện thanh tra đối với các doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch thanh tra đã điều chỉnh và kế hoạch thanh kiểm tra chuyên đề. Các đoàn thanh tra cần đẩy nhanh tiến độ và kết thúc làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 15-20/12/2021, không để tồn đọng sang năm sau.

Các Cục Thuế tiếp tục triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài chính đôn đốc kịp thời các khoản thu vào NSNN. Các đơn vị cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng các quy trình, quy chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; đề án Đổi mới và nâng cao năng lực Thanh tra kiểm tra thuế giai đoạn 2021-2030 theo dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ thống nhất trong toàn ngành Thuế.

Thứ tư, về công tác xây dựng các đề án, văn bản chính sách pháp luật: các vụ đơn vị chức năng cần bám sát để hoàn thiện dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030; đề án “Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh” và 5 thông tư hướng dẫn theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời hoàn thiện trình Tổng cục, Bộ Tài chính sớm ban hành.

Thứ năm, về triển khai đề án hóa đơn điện tử, Cục Công nghệ thông tin cần khẩn trương tổng hợp các vướng mắc về ứng dụng, nâng cấp, khắc phục các vướng mắc và hoàn thiện ứng dụng để hỗ trợ cơ quan thuế các cấp tra cứu theo dõi, đánh giá tình hình triển khai hóa đơn điện tử theo địa bàn, đối tượng quản lý. Tiếp tục triển khai hoàn thiện Dự án hạ tầng thiết bị cho hệ thống hóa đơn điện tử đảm bảo đáp ứng triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Cơ quan thuế cần tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ hóa đơn điện tử: đảm bảo các đơn vị đủ khả năng triển khai ngay hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; khắc phục kịp thời các lỗi khi triển khai của một số đơn vị cung cấp giải pháp và cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ, đảm bảo hệ thống hóa đơn điện tử vận hành ổn định thông suốt, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương phía Nam gặp khó trong thu ngân sách tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành Thuế về đích thu ngân sách, vượt dự toán trên 15.000 tỷ
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, số thu ngân sách đã đạt 1.182.424 tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán (vượt dự toán 65.724 tỷ đồng), bằng 101,3% so với số báo cáo Quốc hội (tương ứng vượt trên 15.000 tỷ đồng).
Thu ngân sách nhà nước về đích sớm trước 1 tháng
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, thu ngân sách nhà nước 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 103,4% dự toán năm.