Người lao động không tham gia BHXH thì công ty có vi phạm pháp luật về BHXH không?
TCDN - Giải đáp vướng mắc về BHXH VÀ thuế TNCN của công ty có đăng ký kinh doanh thi công các công trình xây dựng, chi phí phát sinh có nhân công thuê ngoài.
Hỏi: Công ty có đăng ký kinh doanh thi công các công trình xây dựng, chi phí phát sinh có nhân công thuê ngoài, những nhân công này có ký hợp đồng với điều kiện có công trình thì làm, hết công trình thì nghỉ, thời hạn làm việc cả hợp đồng lao động dưới 3 tháng và trên 3 tháng tùy theo thời hạn từng công trình.
1. Về BHXH những công nhân này họ không tham gia, vì tính chất công việc làm theo công việc phát sinh có việc thì làm mà hết việc thì nghỉ. Theo Luật Bảo hiểm hiện hành những người lao động này không tham gia BHXH thì công ty có vi phạm pháp luật về BHXH không?
2. Về thuế TNCN: các công nhân này có ký cam kết thu nhập trong năm không quá 132 triệu đồng để được làm căn cứ tạm thời chưa khâu trừ thuế TNCN 10%, nhưng khi quyết toán thì các công nhân lại có thể có thu nhập nhiều nơi, tổng thu nhập cả năm cao hơn 132 triệu đồng.
Hỏi việc trích 10% Thu nhập chi trả cho người lao động thời vụ như Công ty thực hiện là tuân thủ đúng pháp luật thuế chưa? Trường hợp người lao động dù đã làm cam kết, nhưng do không kiểm soát chắc chắn cơ hội việc làm và nguồn thu nhập mà dẫn đến phát sinh thêm số thuế TNCN phải nộp thì ai là người chịu trách nhiệm thực hiện kê khai nộp thuế bổ sung?
Trả lời:
Căn cứ Luật số 58/2014/QH13 Luật Bảo hiểm Xã hội
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
…”
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu BHXH, BHYT…
“Điều 4. Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);
…”
Theo đó, từ ngày 01/01/2018 Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế TNCN
“Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
1. Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:
a) Thu nhập của cá nhân không cư trú
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập. Số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư này.
b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
b.2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
...”
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật quản lý Thuế
“Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
6. Các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm. Cụ thể như sau:
d.3) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế trong các trường hợp sau đây:
Có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau: cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống; cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này; cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập này.
…”
Về nguyên tắc người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tổ chức trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần. Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này thì được ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức trả thu nhập. Trường hợp cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế với phần thu nhập này hoặc phần thu nhập vãng lai trên 10 triệu đồng thì cá nhân phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN.
Trường hợp người lao động chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế TNCN 10% và ước tính thu nhập chưa đến mức chịu thuế, làm cam kết để tạm chưa khấu trừ thuế. Cá nhân làm cam kết phải có mã số thuế tại thời điểm làm cam kết, chịu trách nhiệm về bản cam kết. Trường hợp kết thúc năm, cá nhân có thu nhập đến mức phải nộp thuế thì trực tiếp thực hiện kê khai, quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899