Nguy cơ nợ công và thất thoát vốn của kinh tế châu Á

15/10/2022, 08:41
báo nói -

TCDN - Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các nền kinh tế châu Á sẽ cần ưu tiên ổn định tài khóa để bù đắp mức nợ đang tăng và hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Bloomberg dẫn báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa tin châu Á đang vừa là khu vực nợ lớn nhất và cũng là khu vực tiết kiệm hàng đầu của thế giới. Nhiều quốc gia tại châu Á đang có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ.

Nợ công trở nên tệ hơn

IMF cảnh báo mọi động thái chi tiêu bổ sung của các chính phủ châu Á nhằm bù đắp thiệt hại từ giá năng lượng và nhiên liệu cần phải diễn ra theo hướng có mục tiêu rõ ràng, tạm thời và trung lập về ngân sách.

“Nợ công và nợ tư nhân đã trở nên tồi tệ sau đại dịch do tốc độ tăng trưởng chậm, lãi suất tăng và mức nợ cao hơn”, IMF tuyên bố.

“Việc tài sản mất giá và lãi suất tăng có thể gây ra căng thẳng tài chính tại những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy cao, bảng cân đối kế toán chưa được phòng ngừa rủi ro và đang đối mặt rủi ro tái cấp vốn”. IMF cho biết lãi suất tiếp tục tăng sẽ hạn chế các lựa chọn chi tiêu của chính phủ.

Cảnh báo được đưa ra khi IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thêm 0,9 điểm %, xuống còn 4%. Đối với năm 2023, tổ chức này dự kiến ​​tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á là 4,3%, giảm 0,7 điểm % so với trước đây.

“Dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ trước, nhưng khu vực kinh tế châu Á vẫn tiếp tục hoạt động tốt hơn so với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu”, IMF lập luận.

Loạt rủi ro khác đối vưới kinh tế châu Á bao gồm tỷ giá hối đoái biến động có thể gây ra lạm phát và buộc ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Châu Á dễ bị tổn thương bởi sự phân mảnh địa kinh tế, hoặc tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu với vai trò là công xưởng thế giới.

IMF cho biết: “Lời khuyên của chúng tôi đối với hầu hết các nước trong khu vực là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và củng cố tài khóa”.

Dòng vốn rời khỏi đất nước

Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF, bà Anne-Marie Gulde, nhận định: “Chúng tôi thấy dòng vốn đang chảy ra nước ngoài đang tăng, đạt mức tương đương vào thời điểm ‘taper tantrum’ (Fed siết chặt chính sách tiền tệ vào năm 2013) và chắc chắn bất cứ điều gì làm tăng lãi suất qua kênh này sẽ có tác động tới chi phí đi vay ở châu Á”.

“Taper tantrum” năm 2013 xảy ra khi các nhà đầu tư phản ứng với kế hoạch hạn chế nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bằng cách nhanh chóng bán bớt trái phiếu, khiến giá lao dốc.

IMF cảnh báo rằng tình trạng túng quẫn đang phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Những nước có đồng tiền giảm giá nhiều so với USD có thể phải chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lớn. Ví dụ, USD đang dao động gần mức cao nhất trong 24 năm so với yen Nhật.

IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,7% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo hồi tháng 7. Ở châu Á, cơ quan này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4,4%, giảm 0,2 điểm %  so với tháng 7. 

Quỹ cũng hạ mức tăng trưởng của nhóm ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam xuống còn 4,9%.

Tác động từ cuộc khủng hoảng ở AnhKhi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng trái phiếu của Anh có gây ra ảnh hưởng lan rộng đến các nền kinh tế châu Á hay không, bà Gulde cho biết thị trường châu Á sẽ chịu tác động hạn chế.

“Đầu tư vào quỹ hưu trí ở châu Á ít hơn so với trước đây. Điều tôi muốn nhấn mạnh là bất cứ gì tạo ra hỗn loạn trên thị trường tài chính đều sẽ tìm ra cách thức và kênh truyền tải [đến châu Á]”, bà nói với CNBC.

“Chúng tôi không biết hết tất cả kênh tác động, nhưng [khủng hoảng ở Anh] chắc chắn không phải là tin tốt cho các quốc gia châu Á cũng như trên toàn cầu”.

Bà Janet Li, Giám đốc công ty quản lý tài sản Mercer cũng nhất trí với ý kiến này. Theo Janet Li, mức độ rủi ro của châu Á đối với các khoản đầu tư thâm dụng nợ (LDI) thấp hơn hơn so với Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do lương hưu dài hạn ở châu Á ít phổ biến so với việc rút tiền một lần. Các khoản đầu tư thâm dụng nợ thường được nắm giữ rộng rãi bởi các quỹ hưu trí.

cong nhan Lao

Cuộc khủng hoảng ở Anh bắt nguồn từ việc lợi suất tăng và giá trái phiếu giảm, buộc các quỹ hưu trí phải tăng thế chấp cho các khoản đầu tư LDI. Kết quả là các quỹ hưu trí đã bán trái phiếu của Anh để có tiền mặt.

“Do đó, nếu chúng ta cố gắng so sánh và xem xét liệu quỹ hưu trí châu Á đối  mặt rủi ro lớn hơn hay không, câu trả lời ngắn gọn là không”, bà Li nói.

Đồng thời, vẫn có một số mặt tích cực đối với nền kinh tế châu Á, bà Gulde nói. Khi nhiều nền kinh tế châu Á như Nhật Bản và Hong Kong mở cửa, sự dịch chuyển lao động sẽ tạo ra hoạt động kinh tế và có thể hạn chế sự suy thoái. 

Đồng tiền trong khu vực này giảm giá có thể đồng nghĩa với việc xuất khẩu tăng lên, bà Gulde nói thêm. IMF cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng hạ lạm phát cơ bản trong khu vực.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ nợ công và thất thoát vốn của kinh tế châu Á tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan