Nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm

19/11/2019, 10:57

TCDN - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn hơn 600.000 tấn. Với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay, cả nước sẽ thiếu hụt hơn 200.000 tấn thịt lợn.

Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý.

a

Theo Bộ trưởng, trong hai tháng còn lại năm 2020 và quý đầu năm 2021, nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Đây cũng là thời điểm có nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi lên tới 75.000-80.000 đồng/kg. Trong đó, nguyên nhân chính là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Ngoài ra vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 389 và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn trên cả nước khoảng trên 600.000 tấn. Với thống kê tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu hiện nay, tổng cung đạt hơn 400.000 tấn, tức thiếu hụt hơn 200.000 tấn.

Đồng thời, nếu giá thịt lợn tăng thêm 10-15%, đạt 80.000 đồng/kg thì CPI chung sẽ tăng khoảng 0,5-0,7%, khiến mức CPI bình quân năm 2019 tăng dưới 3% so với năm 2018.

Trước vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT dự đoán cung - cầu từng tháng từ nay đến Tết Nguyên đán và nhanh chóng công bố tình trạng và giải pháp bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.

Giao Bộ Công Thương tính toán, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, đảm bảo nguồn cung- cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.

Đối với Bộ Tài chính và NHNN cần tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng thời, phó thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo. 

Từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11 năm nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn, chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Tuy nhiên, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, TP có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan