Nhà đầu tư Thái Lan thoái vốn khỏi chứng khoán Việt Nam vì lý do gì?
TCDN - Động thái bán ròng chứng khoán Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan liên quan đến chính thuế mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Từ đầu tháng 12 đến ngày 14/12, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 6.300 tỷ đồng trên HOSE, nhiều hơn con số tổng của hai tháng 10 và 11. Nếu xu hướng không đảo chiều trong những ngày còn lại, có khả năng tháng 12 đánh dấu quy mô bán lớn nhất trong hai năm trở lại đây.
Xu hướng rút ròng kéo dài từ đầu tháng 4. Thống kê cho thấy dòng tiền ngoại rút khỏi sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 và tính từ đầu năm 2023 lần lượt có giá trị là 27.141 tỷ đồng và 21.141 tỷ đồng. Quy mô này tương đương với cả năm 2020.
Khối ngoại bán ròng trên cả hai kênh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF nội niêm yết trên sàn HOSE. Lý giải về động thái này, trong chương trình "Gõ cửa tháng mới" của Chứng khoán SSI, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) khẳng định lực bán từ các nhà đầu tư Thái Lan khá lớn.
Động thái giao dịch từ các nhà đầu tư Thái Lan liên quan đến chính thuế mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024. Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu thập cá nhân của Việt Nam. Do đó, nhà đầu sẽ bán trước khi bắt đầu năm mới. Sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại.
Từ ngày 1/1/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng Thái Lan đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể.
Quy định mới sẽ hướng đến ba nhóm đối tượng gồm, cư dân giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua các công ty môi giới nước ngoài, nhà giao dịch tiền điện tử và những người lợi dụng lỗ hổng pháp lý cho phép chuyển thu nhập từ nước ngoài về nước miễn thuế.
Nói về thị trường Thái Lan, chứng khoán xứ chùa vàng hút ròng gần 6 tỷ USD vốn ngoại trong năm 2022, nhưng đã rút ra với quy mô tương đương trong năm 2023.
Đà rút ròng của nhà đầu tư ngoại tại Thái Lan diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thái Lan giảm sâu kể từ đầu năm. Trong khi chứng khoán Thái Lan giảm gần 20% kể từ đầu năm, chứng khoán Việt Nam tăng khoảng 10%. Giám đốc Đầu tư của SSIAM nhận định đó là động lực để nhà đầu tư bán ở thị trường chứng khoán Việt Nam và quay về mua ở thị trường trong nước.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích SSI Research, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Thái Lan năm 2024 là 15%, ngang bằng với Việt Nam nhưng mức định giá đang cao hơn.
Phân tích thêm về diễn biến dòng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Tốt cho rằng xu hướng chung trong năm nay là rút tiền khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để đưa vào các thị trường phát triển như Mỹ. Lý do là mức lãi suất bên Mỹ rất cao.
Song, trong cuộc họp đêm qua, đại diện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu họ có thể điều chỉnh giảm lãi suất ba lần trong năm tới.
Bình luận về diễn biến của dòng vốn ngoại với góc nhìn từ một nhà quản lý quỹ nước ngoài, trong báo cáo mới đây, Lumen Vietnam dự báo áp lực bán có xu hướng chỉ tập trung vào một số cái tên, cho thấy mục đích bán có thể phục vụ cho tái cân bằng danh mục đầu tư, thay vì dòng tiền rút khỏi thị trường.
Còn theo khối phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS), trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang ổn định, nguyên nhân chính của đợt bán mạnh này đang được cho là đến từ chiến lược cơ cấu tỷ trọng danh mục của một số quỹ vào tháng cuối năm.
Nhà phân tích của ACBS cho rằng dự báo khi nào áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm thiểu là việc rất khó. Nhưng với việc thanh khoản của thị trường cải thiện, sự tham gia tích cực của nội khối đã hấp thụ phần nào lượng bán của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ACBS kỳ vọng là áp lực bán của NĐT nước ngoài sẽ không tác động mạnh lên diễn biến của VN-Index.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899