Nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nền kinh tế chuyển đổi
TCDN - Tiếp cận tín dụng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, đặc biệt là từ các ngân hàng và các tổ chức chính thức khác.
TÓM TẮT:
Tiếp cận tín dụng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, đặc biệt là từ các ngân hàng và các tổ chức chính thức khác. Đây là một vấn đề dễ nhận thấy nhất ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi. Sử dụng cơ sở dữ liệu khảo sát doanh nghiệp tại các nền kinh tế chuyển đổi ở 32 quốc gia ở Đông Âu và Châu Á do ERBD và WB cung cấp, tác giả tiến hành đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV, từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách.
1. Tiếp cận tín dụng của DNNVV và các nhân tố ảnh hưởng
Khả năng tiếp cận tín dụng được coi là khả năng vay từ các nguồn tín dụng khác nhau (Diagne, 1999). Để tiếp cận tín dụng từ bên ngoài, việc cân nhắc cả hai yếu tố xuất phát từ phía người đi vay và người cho vay là cần thiết. Có thể thấy rõ ràng rằng, nhu cầu cho vay có ý nghĩa sống còn đối với triển vọng tăng trưởng của DNNVV nói riêng và sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Rahaman (2011) chứng minh vai trò quan trọng giữa khả năng tiếp cận tài chính và sự phát triển của công ty thông qua nghiên cứu về cách thức các DNNVV chưa niêm yết tại Vương quốc Anh và Ireland tiếp cận nguồn vốn bên ngoài trong giai đoạn 1991-2001. Siedschlag và cộng sự (2014) xác nhận mối tương quan tích cực giữa khả năng tiếp cận tài chính và các quyết định đầu tư của doanh nghiệp, mức độ việc làm và tăng trưởng năng suất trong các doanh nghiệp châu Âu từ giai đoạn 2011-2013.
Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy quyết định cho vay và đi vay dựa trên các yếu tố khách quan và chủ quan của doanh nghiệp. Zeller (1994) cho rằng khả năng nhận được tài trợ liên quan đến quá trình ra quyết định liên tiếp - xuất phát từ phía cầu. Ngoài ra, chính sách cho vay của người cho vay, cụ thể là các tổ chức tài chính hoặc bên cung cấp, cũng có thể có tác động trực tiếp đến việc tham gia tín dụng (Umoh, 2006). Nghiên cứu thực nghiệm trên các trường hợp cho vay với các DNNVV, nhiều tác giả chỉ ra các vấn đề về tiếp cận tài chính ngoài các nguồn tài trợ nội bộ của doanh nghiệp (Beck et al. 2005; Beck et al., 2008; Cressy, 2002). Các tác giả cho rằng, ngân hàng thường khá e dè trong việc cho các DNNVV vay vốn do thông tin kém minh bạch và trình độ quản lý doanh nghiệp tương đối hạn chế. Ngược lại, Torre et al. (2008) cho thấy rằng hầu hết các ngân hàng muốn phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do tăng khả năng sinh lời nhờ các doanh nghiệp và nhu cầu ngày càng tăng trong việc chuyển sang các thị trường chiến lược mới do sự cạnh tranh cao hơn trong ngành ngân hàng. Như vậy, để đánh giá tốt hơn khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng bên ngoài, nghiên cứu này tập trung vào cả hai phía cung và cầu với khung khái niệm được trình bày trong Hình 2.1. Thông qua bối cảnh lý thuyết, nghiên cứu chủ yếu tập trung vào đặc điểm của người đi vay và người cho vay trong mối quan hệ giữa khả năng tiếp cận tín dụng và quy mô khoản vay, để xác định rõ hơn những yếu tố nào có thể tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng.
Dựa trên các tài liệu trước đây và kết quả thực nghiệm, Giả thuyết 1 được đưa ra:
Giả thuyết 1: Khả năng tiếp cận tín dụng có tương quan thuận với quy mô doanh nghiệp
Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của họ (Sorooshian và cộng sự, 2010). Khi một công ty được đăng ký hợp pháp, nó sẽ nâng cao mức độ an toàn, mạng lưới xã hội cũng như khả năng huy động vốn (Human và Provan, 2000). Việc hình thành các hình thức như doanh nghiệp với các yếu tố pháp lý rõ ràng, trụ sở cố định mang lại mức độ tin cậy cao hơn các DNNVV với sự yếu kém trong minh bạch thông tin, từ đó có thể giúp họ đáng tin cậy hơn khi tiếp cận với các nguồn tài trợ bên ngoài (Cassar, 2004). Mối tương quan tích cực giữa thành lập công ty và tài trợ nợ được chứng minh trong một số nghiên cứu của Coleman và Cohn, 2000; Abor, 2008; Fatoki và Asah, 2011 và Kira và He, 2012. Liên quan đến các kết quả thực nghiệm này, Giả thuyết 2 được phát triển như sau:
Giả thuyết 2: Tồn tại mối quan hệ tích cực giữa khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV và mức độ pháp lý của công ty.
Chủ sở hữu và người quản lý cũng có tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (Wangmo, 2015). Những đặc điểm liên quan đến chủ sở hữu/người quản lý như tuổi tác, giới tính, giáo dục và kinh nghiệm quản lý được cho là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách các công ty tiếp cận các nguồn tài chính (Cassar và Holmes, 2003; Neeley và Auken, 2009). Từ lâu, người ta đã nhận thức rằng giới tính của chủ sở hữu doanh nghiệp có thể tạo ra tác động đến tăng trưởng doanh nghiệp do hành vi chấp nhận rủi ro và thái độ khác nhau đối với sự phát triển của doanh nghiệp (Verheul et al., 2008). Đáng chú ý, kết quả thực nghiệm về mối quan hệ giữa giới tính và tăng trưởng doanh nghiệp vẫn còn mâu thuẫn. Eikhof, Summer và Carter (2013) chỉ ra hiệu suất thấp hơn của các công ty dưới sự lãnh đạo của nữ giới so với các công ty dưới sự điều hành của các đồng nghiệp nam trong khi kết quả ngược lại có thể được tìm thấy trong nghiên cứu của Bates (1985) khi các nhà lãnh đạo nữ được báo cáo là có cùng hoặc thậm chí nhiều kinh nghiệm hơn so với các đồng nghiệp nam. (Shava và Rungani, 2016) cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa các công ty do nữ hoặc nam làm chủ ở các quốc gia mới nổi ở Nam Phi. Về độ tuổi và trình độ học vấn, Han, Fraser và Storey (2009) tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa những đặc điểm của chủ sở hữu và khả năng tài trợ nợ của các công ty. Người ta giải thích rằng độ tuổi và trình độ học vấn cao hơn có thể là sự đảm bảo cho mức độ tin cậy của công ty cao hơn và do đó làm tăng cơ hội nhận được vốn từ các nguồn bên ngoài. Các chủ sở hữu lớn tuổi hơn có xu hướng có nhiều cấp độ kết nối hơn và do đó có thể cải thiện kết nối bền vững với khách hàng, nhà cung cấp cũng như ngân hàng (Greve và Salaff, 2003; Bruder và cộng sự, 2011). Dựa trên một số tài liệu trước đây, một số giả thuyết được đưa ra như sau:
Giả thuyết 3: DNNVV do nữ quản lý gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận tín dụng.
Giả thuyết 4: Kinh nghiệm của chủ sở hữu có tác động tích cực đến khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
Về phía người cho vay, như Hình 2.1, các nhân tố từ nội tại doanh nghiệp và bản thân các chủ thể cho vay cũng như yếu tố thuộc về món vay như giá trị khoản vay, lãi suất và thời hạn của khoản vay đề được cho rằng có mối quan hệ tới khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV. Thông thường, các DNNVV có thể phải đối mặt với một số hạn chế khi đăng ký vay tại các ngân hàng do vấn đề thông tin không đối xứng. Doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chính thức (thông qua ngân hàng và các tổ chức tài chính khác) và phi chính thức (thông qua thị trường OTC). Trong bài báo này, tác giả thu hẹp phạm vi nghiên cứu chỉ ở phạm vi chính thức. Thông thường, ngân hàng thường hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do thông tin không minh bạch và thiếu tuân thủ thuế (Gatti và Honoratti, 2007). Tuy nhiên, quy mô của bên cho vay cũng có thể tác động đến hành vi của họ đối với hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, do lợi thế so sánh về quy mô và mức độ bao phủ, các ngân hàng lớn hơn và quốc tế có xu hướng có mức độ hợp pháp, tính kinh tế theo quy mô và mức độ bao phủ phân phối cao hơn sẽ có xu hướng tiếp cận đối tượng khách hàng một cách đa dạng: từ các DNNVV cho tới các công ty, tập đoàn lớn. Trong trường hợp các ngân hàng lớn chấp thuận phân bổ nguồn vốn cho các DNNVV, họ có thể yêu cầu các doanh nghiệp này tiếp cận các khoản vay với lãi suất cao hơn hoặc được mức hạn chế tín dụng lớn hơn. (Torre và các cộng sự, 2008).
Cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng ít công khai thông tin, điều này ngăn cản họ tiếp cận với việc huy động vốn từ bên ngoài. Schayek (2011) chỉ ra rằng chủ sở hữu của các công ty vừa và nhỏ có vẻ nhạy cảm hơn trong việc cung cấp thông tin của công ty. Hơn nữa, như Watson (2007) đã chỉ ra, số liệu thống kê tài chính liên quan đến hiệu suất và hồ sơ lịch sử thường khó có được do ít yêu cầu về các quy định tiết lộ dữ liệu. Như vậy, khi xin vay vốn ngân hàng, mối quan hệ với ngân hàng đóng vai trò sống còn, có thể tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bink và Enew, 1997; Berger và Udell, 1995). Dass và Massa (2011) tìm thấy mối tương quan tích cực đáng kể giữa mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty và khả năng tiếp cận tín dụng. Khi mối quan hệ bền chặt hơn, các ngân hàng sẽ giám sát tốt hơn và các công ty được yêu cầu phải được quản trị tốt hơn. Trong khi đó, kết quả ngược lại có thể tìm thấy trong nghiên cứu của Degryse và Van Cayseele (2000), Boot và Thakor (2000), Agarwal và Elston (2001). Mối quan hệ với ngân hàng cũng được xem xét trong phạm vi khác biệt giới tính. Orser et al. (2006) chỉ ra rằng không tồn tại sự khác biệt giữa các công ty do phụ nữ lãnh đạo và do nam giới lãnh đạo trong hoạt động cho vay của ngân hàng cũng như các điều khoản tín dụng mặc dù phụ nữ được cho là xây dựng mối quan hệ hợp tác nhiều hơn với các ngân hàng.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phạm vi nghiên cứu
Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (2013), khả năng tiếp cận tín dụng vẫn là một vấn đề phổ biến đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nền kinh tế chuyển đổi. Nền kinh tế chuyển đổi có thể hiểu là nền kinh tế đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (Feige, 1994). Nghiên cứu nhằm cung cấp một bối cảnh rộng lớn hơn cho việc huy động vốn giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 32 quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi, bao gồm các quốc gia từ Trung Âu và các nước vùng Baltic; Đông Nam Âu; Trung Âu và Caucasus và Trung Á ngoại trừ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia ở Trung Âu và Baltics được cho là có cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu vững chắc, hiện đang đối mặt với những thách thức để gia nhập khu vực đồng Euro và theo kịp các nền kinh tế có thu nhập cao hơn trong khi các quốc gia ở Trung Âu và Caucasus có tốc độ chuyển đổi chậm hơn do những khó khăn từ cơ sở hạ tầng thể chế và ảnh hưởng của các lợi ích được giao (IMF, 2000). Bằng cách sử dụng Khảo sát Môi trường Kinh doanh (BEEPS) do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (ERBD) và Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng, nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của các DNNVV, trong bối cảnh của các nền kinh tế chuyển đổi với mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Dữ liệu cho nghiên cứu này là từ vòng thứ năm của BEEPS tính tới năm 2016, với tổng số 16.566 công ty tại 32 quốc gia ở Đông Âu và Trung Á.
2.2. Các biến nghiên cứu
Biến “Tiếp cận tín dụng” được sử dụng làm biến phụ thuộc trong mô hình đầu tiên để xác định những yếu tố nào có thể tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. “Khả năng tiếp cận tín dụng” được đo bằng 1 khi một công ty đã nộp đơn xin vay và được chấp nhận, trong khi 0 là đại diện cho việc không thể tiếp cận tín dụng. “Số tiền vay” là biến phụ thuộc được sử dụng trong mô hình thứ hai, được định nghĩa là logarit của số tiền cho vay mà các công ty đạt được nếu được chấp nhận thành công.
“Tư cách pháp nhân” thể hiện tư cách pháp lý của công ty, nhận giá trị 1 cho công ty cổ phần có cổ phần được mua bán trên thị trường chứng khoán, 2 là công ty cổ phần có cổ phần không được mua bán hoặc cổ phiếu được mua bán riêng lẻ, 3 là công ty tư nhân, 4 là công ty hợp danh, 5 đối với công ty hợp danh hữu hạn và 6 đối với các loại hình khác. Trong trường hợp này, giá trị 1 được sử dụng làm chuẩn và các giá trị khác sẽ được sử dụng để so sánh với giá trị 1. “Thị trường chính” là biến giả thể hiện thị trường nơi doanh nghiệp hoạt động, lấy 1 cho địa phương, 2 cho quốc gia và 3 cho phạm vi quốc tế. “Quy mô doanh nghiệp” nhận giá trị 0 cho các DNNVV và 1 cho các doanh nghiệp lớn. “Giá trị bán hàng” là một biến được sử dụng để đo lường hiệu suất của các công ty trong năm qua. Nó được tính bằng cách lấy logarit của giá trị lần bán cuối cùng của công ty. Việc sở hữu tài khoản tiết kiệm và trang web được cho là sẽ giúp các DNVVN minh bạch và đáng tin cậy hơn khi đăng ký vay vốn, vì vậy “Tài khoản tiết kiệm” và “Trang web” là hai biến giả được cân nhắc đưa vào mô hình. Hai biến giả “Giới tính chủ sở hữu” và “Kinh nghiệm chủ sở hữu” là hai yếu tố liên quan đến chủ sở hữu công ty, trong đó biến giới tính có giá trị là 1 nếu giới tính của chủ sở hữu là nữ và 0 nếu ngược lại. Biến “Kinh nghiệm chủ sở hữu” đề cập đến nhiều năm kinh nghiệm mà chủ sở hữu có.
Đối với khoản vay, “Lãi suất”, “Thời hạn” và “Giá trị tài sản thế chấp” được xem xét. Biến "Lãi suất" đề cập đến tỷ lệ phần trăm mà các tổ chức đã thực hiện đối với các khoản vay và "Thời hạn" biểu thị thời gian đáo hạn của khoản vay, được đo bằng tháng. “Ln(Giá trị tài sản thế chấp)” biểu thị giá trị logarit của tài sản thế chấp.
“Nhóm quốc gia” được sử dụng để đo lường sự khác biệt về mức độ tiếp cận tín dụng ở các nhóm quốc gia khác nhau. Nhóm 1 dành cho các quốc gia như Albania, Belarus, Croatia, Cộng hòa Séc, FYR Macedonia, Hungary, Ba Lan, Romania, Cộng hòa Slovak, Slovenia, luôn được gọi là CEE; Nhóm 2 dành cho Estonia, Latvia, Lithuana, viết tắt của Baltics và Nhóm 3 dành cho Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan, luôn được ký hiệu là CIS. CIS được cho là có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất so với các nhóm khác.Tất cả các biến được trình bày trong bảng sau.
2.3. Mô hình nghiên cứu
Theo các nghiên cứu đề cập ở trên, hồi quy logit và hồi quy thông thường được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia tín dụng và số tiền cho vay. Mô hình đầu tiên là hồi quy logit được sử dụng để xác định các yếu tố quyết định khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các nền kinh tế chuyển đổi và mô hình thứ hai là hồi quy thông thường được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến số tiền vay.
Mô hình 1: Hồi quy logit, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng
Mô hình 2: Mô hình hồi quy đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến số tiền được vay, hình ngụ ý rằng nó sẽ chỉ tồn tại khi công ty có thể tiếp cận tín dụng.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thống kê mô tả
Như đã đề cập ở trên, BEEPS được thực hiện trong giai đoạn 2016, với tổng số 16.566 doanh nghiệp tại 32 quốc gia ở Đông Âu và Trung Á. Tuy nhiên, với điều kiện đưa ra để đo lường tiếp cận tín dụng, chỉ có các doanh nghiệp xin vay và được chấp nhận vay vốn mới được coi là một công ty có tiếp cận tín dụng. Chính vì thế, số lượng doanh nghiệp được lựa chọn sau quá trình sàng lọc chỉ bao gồm 3.535 mẫu. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động tại địa phương (47,98%) và thị trường trong nước (43,04%). Đáng chú ý nhất, họ tiếp cận tín dụng chủ yếu từ các ngân hàng thương mại tư nhân, chiếm 79,6%.
Trong số các công ty này, 81,81% doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các công ty trong nhóm này nói chung là các công ty có cổ phần không được mua bán hoặc mua bán riêng lẻ, chiếm 86,47%. Các công ty này thường do nam giới lãnh đạo, với khoảng 82,6%. Phần lớn chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm dưới 35 tuổi Lãi suất phổ biến nhất đối với các khoản vay thường dưới 20%, hoặc cụ thể là từ 6 đến 15%. Thời hạn của các khoản vay thông thường từ 20-50 tháng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp từ khu vực CIS có mức độ tham gia tín dụng cao nhất. Như đã đề cập ở trên, khu vực này có mức độ phát triển kinh tế mạnh hơn so với các nhóm khu vực nghiên cứu còn lại.
Dữ liệu còn cho thấy tiếp cận tài chính là trở ngại lớn nhất đối với các công ty hoạt động trong các nền kinh tế chuyển đổi, bên cạnh các cản trở từ việc xin cấp phép hoạt động, tiếp cận quỹ đất và tham nhũng.
3.2. Kết quả thực nghiệm
Kết quả hồi quy được minh họa trong Bảng 4.1. Đáng chú ý, kết quả cho thấy mối quan hệ có ý nghĩa của lãi suất, thời hạn, giới tính của chủ sở hữu, quy mô doanh nghiệp và giá trị tài sản thế chấp đối với cả giá trị khoản vay và khả năng tiếp cận tín dụng. Ba nhân tố đầu thể hiện mối quan hệ nghịch và hai nhân tố cuối thể hiện mối quan hệ thuận chiều với khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Liên quan đến quy mô doanh nghiệp, trong nghiên cứu thực nghiệm này, Giả thuyết 1 được ủng hộ. Kết quả phù hợp với tài liệu từ nghiên cứu của Siedschlag và cộng sự, 2014 và Kumar và Rao, 2016. Các công ty lớn hơn có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng hơn nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô, phạm vi và mức độ minh bạch cao. Trong khi đó, thời hạn và lãi suất cho thấy mối tương quan tiêu cực với việc tham gia tín dụng. Câu trả lời cho những kết quả này có thể được giải thích đơn giản là: khi các ngân hàng cung cấp cho các công ty lãi suất cao hơn, các công ty sẽ không thể tiếp cận với nguồn vốn, và khi thời hạn cho vay quá dài, các ngân hàng sẽ có xu hướng cân nhắc và thận trọng hơn trong việc cho vay do lo ngại rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng từ người đi vay.
Liên quan đến tình trạng pháp lý hiện hành, Giả thuyết 2 cũng được duy trì, phù hợp với (Human và Provan, 2000; Sorooshian và cộng sự, 2010). Giá trị khoản vay mà một công ty có thể tiếp cận rất có thể sẽ tăng lên nếu công ty của họ có tính pháp lý mạnh hơn. Tất cả các hệ số đều âm, tuy nhiên, chỉ số liệu thống kê cho các Công ty hợp danh và các loại hình công ty khác cho thấy có ý nghĩa thống kê. Kết quả có thể được hiểu là công ty giao dịch trên thị trường chứng khoán có nhiều khả năng tiếp cận tín dụng hơn so với các loại tư cách pháp lý khác. Những công ty này có xu hướng cung cấp thông tin minh bạch hơn, với các hồ sơ tài chính được chuẩn hóa, phần nào có thể hạn chế được vấn đề bất cân xứng thông tin trên thị trường cho vay.
Xét về thị trường chính, các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô lớn hơn, chẳng hạn như phạm vi quốc gia hoặc quốc tế sẽ có cơ hội tốt hơn khi tiếp cận tín dụng. Giới tính của chủ sở hữu cũng được xem xét trong trường hợp này. Giả thuyết 3 được xác nhận là hệ số âm được quan sát thấy trong trường hợp này. Hệ số âm có nghĩa là phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, cũng như mức độ hạn chế tín dụng, được thể hiện dưới dạng giá trị khoản vay. Đáng chú ý, như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp trong khu vực này thường có xu hướng được điều hành bởi nam giới. Đặc biệt hơn nữa, ở các khu vực này, các quốc gia theo đạo Hồi có tỷ trọng tương đối lớn, chính vì thế, vai trò của phụ nữ thường tương đối bị hạn chế so với nam giới. Trong phạm vi của nghiên cứu này, vấn đề tôn giáo chưa được nghiên cứu và xem xét, vì thế đây cũng là một vấn đề cần lưu tâm trong các nghiên cứu sau này, để từ đó làm rõ hơn nguyên nhân của kết quả nói trên. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Giả thuyết 4 cho thấy mối tương quan thuận mang ý nghĩa thống kê giữa kinh nghiệm của chủ sở hữu đối với tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, tuy nhiên không có ý nghĩa khi nghiên cứu về giá trị khoản vay dù mang hệ số tương quan dương. Điều này có thể phần nào khẳng định kết quả của các nghiên cứu trước đây, như của Greve và Salaff, 2003 và Bruder và cộng sự, 2011.
4. Kết luận
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng bộ dữ liệu từ BEEPS vòng thứ năm do ERBD và WB xây dựng với việc thu thập dữ liệu được năm 2016, để đánh giá các yếu tố quyết định khả năng tiếp cận tín dụng của các nền kinh tế chuyển đổi ở châu Âu để từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách đã được.
Nghiên cứu một lần nữa khẳng định mạnh mẽ ảnh hưởng của quy mô công ty, lãi suất, thời hạn cho vay, giới tính của chủ sở hữu và giá trị tài sản thế chấp của các hợp đồng nợ. Do đó, chính sách nhằm khuyến khích các chủ sở hữu nữ và các DNVVN tiếp cận tài chính là rất quan trọng, được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế (Rahman và cộng sự, 2017). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn phải đối mặt với các ràng buộc tín dụng ở mức độ cao do tính không minh bạch và quá nhiều thông tin bất đối xứng, do đó, một chương trình phù hợp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện việc công bố thông tin có thể được xem xét. Hơn nữa, do lãi suất và thời hạn của khoản vay dường như âm với khả năng tiếp cận tín dụng, nên cần xem xét lại cách thức giảm lãi suất cho khoản vay của các DNVVN. Các công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa dễ gặp rủi ro vỡ nợ hơn, và vì lý do đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính khác có thể yêu cầu mức lãi suất cao hơn từ họ. Hơn nữa, với sự tồn tại của bất cân xứng thông tin và khả năng tài chính hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp non trẻ, các kênh tài chính chính thức thường yêu cầu thời hạn dài hơn, điều này có thể cản trở các DNVVN tiếp cận được vốn ở phân khúc này. Cơ quan quản lý cần có sáng kiến tìm ra cách kích thích DNNVV thông qua các giai đoạn cho vay, hỗ trợ chia nhỏ kỳ hạn vay, trong đó mỗi kỳ hạn cho vay cần có lãi suất phù hợp cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cơ sở lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn bị hạn chế tín dụng do thiếu tài sản thế chấp. Giá trị của tài sản thế chấp sẽ đặt ra nhiều rào cản đối với các DNVVN muốn ký kết hợp đồng vay vốn, đặc biệt là các hợp đồng do ngân hàng thực hiện. Việc gia tăng tài sản đảm bảo dưới nhiều hình thức cần được xem xét chấp nhận, mở ra cánh cửa cho DNNVV dễ dàng tiếp cận vốn.
Cuối cùng, có thể nói rằng có rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DNVVN nhưng trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả chỉ xem xét một số nhân tố từ phía người đi vay và phía cho vay, cũng như các điều kiện của hợp đồng cho vay. Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn về yếu tố địa lý, vùng miền, yếu tố nhân khẩu học hay yếu tố vốn xã hội cũng cần được xem xét kỹ hơn trong các nghiên cứu tiếp theo, nhằm làm rõ hơn các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bos, J. W. B., & Laar, M. M. (2004). Explaining foreign direct investment in Central and Eastern Europe: an extended gravity approach (Vol. 8). Citeseer.
Cassar, G., & Holmes, S. (2003). Capital structure and financing of SMEs: Australian evidence. Accounting & Finance, 43(2), 123-147.
De la Torre, A., Pería, M. S. M., & Schmukler, S. L. (2010). Bank involvement with SMEs: Beyond relationship lending. Journal of Banking & Finance, 34(9), 2280-2293.
Eikhof, D. R., Summers, J., & Carter, S. (2013). “Women doing their own thing”: media representations of female entrepreneurship. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research.
Townsend, R. M. (1979). Optimal contracts and competitive markets with costly state verification. Journal of Economic theory, 21(2), 265-293.
Umoh, G. S. (2006). Empirical investigation of access to micro-credit in an emerging economy: Evidence from Nigeria. Journal of African Business, 7(1-2), 89-117.
Verheul, I., Thurik, R., & Grilo, I. (2008). Explaining preferences and actual involvement in self-employment: New insights into the role of gender.
ThS. Phan Thu Trang
Đại học Kinh tế quốc dân
email: [email protected], hotline: 086 508 6899