Nhiều đơn vị tư vấn cho Mobifone mua AVG, sao mỗi AMAX liên lụy?
TCDN - Việc quy trách nhiệm pháp lý cho AMAX trong trường hợp này liệu có giống trường hợp quy trách nhiệm pháp lý cho người bán dao do người mua dao đã sử dụng dao để phạm tội giết người?
Trong tất cả các đơn vị thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, AMAX là đơn vị đưa ra mức giá thẩm thấp nhất. So với mức giá thẩm định của AMAX, mức giá thẩm định của AASC cao hơn gấp 1,97 lần. AMAX trong trường hợp này được xem như là bị hình sự hóa hoạt động kinh tế.
Tư vấn giá thấp nhất lại liên lụy
Theo cáo trạng số 89/CTr-VKSTC-VC3 ngày 17/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Nguyễn Văn Vinh, Phó tổng giám đốc ký hợp đồng tư vấn với Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (viết tắt là VCBS), giá trị hợp đồng là 2,75 tỷ đồng.
VCBS thuê Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (viết tắt là AASC) và Công ty TNHH Định giá Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Hanoi Valu) thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG để phục vụ cho việc VCBS tư vấn cho Mobifone.
Kết quả VCBS tư vấn như sau: Ngày 25/5/2015, VCBS có Văn bản số 476/VCBS-TVTCDN thông báo kết quả định giá: AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng (trên cơ sở kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập). VCBS khuyến nghị giá mua không cao hơn 24.548,19 tỷ đồng. Giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015: AASC thẩm định là 33.299,48 tỷ đồng; VCBS thẩm định là 24.548,19 tỷ đồng; Hanoi Valu thẩm định là 18.519,9 tỷ đồng.
Ngày 18/7/2015, Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc Mobifone ký Hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (viết tắt là AMAX) về việc xác định giá trị doanh nghiệp AVG, thời điểm định giá là 31/3/2015. Kết quả định giá, AMAX xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo 2 phương pháp, cụ thể: Phương pháp tài sản là: 16.565 tỷ đồng và Phương pháp thu nhập là: 17.184 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, trong tất cả các đơn vị thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, AMAX là đơn vị đưa ra mức giá thẩm thấp nhất và AASC là đơn vị đưa ra mức giá thẩm định cao nhất. So với mức giá thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX, mức giá thẩm định của AASC cao hơn gấp 1,97 lần. Nếu Mobifone căn cứ vào kết quả thẩm định giá của AASC hoặc VCBS hoặc Hanoi Valu thì có lẽ giá trị thương vụ mua 95% cổ phần của AVG đã được nâng lên thêm rất nhiều.
Có giống câu chuyện “người bán dao”?
Theo cáo trạng phần xác định hành vi phạm tội của các bị can, Bị can Võ Văn Mạnh với vai trò là Giám đốc AMAX, Võ Văn Mạnh đã ký Biên bản thương thảo hợp đồng số 97B/MOBIFONE-BTC ngày 17/7/2015 thẩm định giá trị Doanh nghiệp; Ký hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá ngày 18/7/2015 với Mobifone, giá trị hợp đồng là 440 triệu đồng.
Cùng với đó là ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG số 256 ngày 05/8/2015; ký Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX ngày 05/8/2015, mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG là 16.565 tỷ đồng.
Quá trình thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG đã vi phạm Quyết định 129/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008; Quyết định số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính về thẩm định giá doanh nghiệp nhưng Võ Văn Mạnh vẫn ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo xác định giá trị AVG không đúng với giá trị thực tế để cung cấp cho Mobifone làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Có thể thấy điểm khác biệt căn bản giữa AMAX và các đơn vị còn lại là Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp của AMAX để đàm phán mua 95% VĐL của AVG. Do đó, Giám đốc và thẩm định viên của AMAX phải chịu trách nhiệm pháp lý theo như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong khi đó AASC, VCBS, Hanoi Valu thì không bị Viện kiểm soát truy tố về tội cũng đưa ra mức giá không đúng với giá trị thực tế của AVG.
Quyết định 129/2008/QĐ-BTC và Quyết định số 28/2015/TT-BTC nêu tại cáo trạng là các quyết định của Bộ Tài chính về các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Nếu AMAX đã vi phạm các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam khi thực hiện thẩm định dẫn đến xác định giá trị AVG không đúng với giá trị thực tế, trong trường hợp này là định giá cao hơn giá trị thật của AVG thì AASC, Hanoi Valu chắc chắn cũng đã vi phạm các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam vì thực tế các đơn vị này còn đưa ra giá cao hơn rất nhiều so với kết quả thẩm định giá của AMAX.
Việc Mobifone sử dụng kết quả thẩm định của AMAX trong trường hợp này có thể thấy lý do chính là do AMAX là đơn vị đưa ra giá trị thẩm định thấp nhất, có thể nói là gần sát với giá trị thực tế nhất của AVG so với AASC, VCBS, Hanoi Valu.
Hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá bản chất là một Hợp đồng kinh tế cung cấp dịch vụ giữa Bên A là người bỏ tiền ra thuê dịch vụ và Bên B là người cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, AMAX có nghĩa vụ phải cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm định giá và đưa ra kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG cho Mobifone.
Việc sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp như thế nào là quyền của Mobifone. Mobifone có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thẩm định của AMAX cũng tương tự như việc Mobifone đã không sử dụng kết quả của AASC, Hanoi Valu để đàm phán.
Việc quy trách nhiệm pháp lý cho AMAX trong trường hợp này liệu có giống trường hợp quy trách nhiệm pháp lý cho người bán dao do người mua dao đã sử dụng dao để phạm tội giết người? AMAX trong trường hợp này liệu có rơi vào trường hợp bị hình sự hóa hoạt động kinh tế của mình?
Nếu một đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự như AMAX khi cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thì liệu mức giá thẩm định đối với một thương vụ hàng chục nghìn tỷ đồng có ở mức giá 440 triệu đồng như AMAX đã ký với Mobifone?
email: [email protected], hotline: 086 508 6899