Những con số "kém vui" về đầu tư và xuất nhập khẩu đầu năm

09/02/2023, 11:10
báo nói -

TCDN - Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư nước ngoài đạt gần 1,7 tỷ USD

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là hơn 756.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là hơn 727.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.

Khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn và để thúc đẩy giải ngân, năm nay, kế hoạch vốn đã sớm được phân bổ chi tiết. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 27.000 tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 4,4% và tăng 12,4%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 1,7 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 1,7 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2023, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2023, ước tính đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2023 có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là gần 130 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh thêm hơn 140 triệu USD (cùng kỳ năm trước là -7,2 triệu USD).

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt gần 130 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Về hoạt động xuất – nhập khẩu, tháng 1/2023 là tháng có ngày nghỉ lễ kéo dài nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm trên 21% so với tháng trước và giảm gần 29% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm trên 41%, hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm gần 52%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt trên 544.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng gần 16% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%). Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 chỉ đạt trên 88% quy mô của chỉ tiêu này, nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.  

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Những con số "kém vui" về đầu tư và xuất nhập khẩu đầu năm tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 15 USD/tấn
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 5/2 đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua.
Xuất khẩu của Đức đạt kỷ lục trong năm 2022
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức, trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa "sản xuất tại Đức" xuất khẩu ra nước ngoài đạt 1.564 tỷ euro, tăng 14,3% so với mức giá trị kỷ lục đạt được vào năm 2021 (1.368 tỷ euro).