Những vấn đề cần sửa đổi trong cách tính thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh

05/04/2024, 20:01
báo nói -

TCDN - Luật Thuế TNCN dự kiến sửa đổi vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế TNCN để người dân đặc biệt người làm công ăn lương không bị thiệt thòi.

Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời?

Khởi đầu vào năm 1990, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 1/4/1991; đến năm 2007, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Luật Thuế TNCN với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép áp dụng giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc thực hiện Luật Thuế TNCN đã góp phần phát huy tích cực vai trò của sắc thuế này trong nền kinh tế và động viên được một nguồn lực quan trọng.

Thuế TNCN là một trong 4 sắc thuế quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế TNCN năm 2023 trên cả nước khoảng trên 155.421 tỷ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số thu nội địa. Trong đó thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là 108.228 tỷ đồng, đạt 108,7% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN.

Bộ Tài chính cho biết, thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhiều trong thuế TNCN là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) và bậc thuế khi tính thuế TNCN.

Từ 1/1/2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Từ 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc 2 là 3,6 triệu đồng/tháng.

Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Theo quy định, khi thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, bên cạnh việc cho phép trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định…, thì cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo mức nhất định cho bản thân người nộp thuế cùng người phụ thuộc và số thu nhập còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Các nước trên thế giới thực hiện GTGC thế nào?

Bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có cách áp dụng GTGC khá tương đồng, với cơ chế cho trừ một khoản tuyệt đối khỏi thu nhập chịu thuế áp dụng cho mọi đối tượng, hoặc áp dụng mức giảm trừ khác nhau cho từng đối tượng người phụ thuộc dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, khả năng lao động, tình trạng sinh sống,... (như Singapore, Thái Lan).

Bên cạnh đó, nhiều nước thực hiện giảm trừ lũy tiến như tại Nhật Bản, cơ quan thuế còn áp dụng hình thức giảm trừ lũy tiến tương ứng với từng bậc thuế suất lũy tiến.

Tại Malaysia, Singapore, Thái Lan thực hiện giảm trừ chi phí sinh hoạt thực tế: các khoản chi phí sinh hoạt của người nộp thuế như chi phí khám sức khỏe, chi phí tiền học cho con,...

Tại Mỹ, mức GTGC thường được xem xét và cân nhắc điều chỉnh hàng năm cùng với luật thuế.

Về bậc thuế, từ nhiều năm trở lại đây, quốc đảo Singapore đã áp dụng cách tính thuế TNCN tăng theo lũy tiến. Cụ thể, thuế TNCN tại Singapore áp dụng với công dân đảo quốc này chia thành 10 bậc thuế, trải từ 2 - 22% tổng TNCN.

Ở mức đóng thuế cao nhất, công dân Singapore có thu nhập năm trên 320.000 USD Singapore (gần 6 tỷ đồng/năm) sẽ phải đóng mức thuế suất 22%, tức là nếu thu nhập tăng gấp khoảng 10 lần thì thuế suất đối với thuế TNCN cũng sẽ tăng thêm 10 lần.

Malaysia có 11 bậc thuế trải 1 - 30%; còn Indonesia chỉ có 5 bậc thuế trải từ 5 - 35%.

Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đánh thuế TNCN cao nhất thế giới.

Những quốc gia có thuế suất TNCN cao nhất từ 50 - 55% gồm: Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Áo.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nghiên cứu sửa nhiều quy định của Luật Thuế TNCN

Tuy nhiên, người lao động, chuyên gia, đại biểu Quốc hội… cũng nhiều lần đề xuất cần sửa ngay mức GTGC trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng cao. Hàng triệu người dân ở thành thị đang sống hiện nay, mức GTGC 4,4 triệu/người không thể trang trải chi phí thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh, đi lại…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, hiện nay là mức GTGC không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, cách tính GTGC hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến.

Nghị quyết chung kỳ họp 5 Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức GTGC đối với thuế TNCN.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức GTGC không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng việc tính thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế TNCN. Khi đó Bộ Tài chính sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội.

Mới đây nhất, tại cuộc họp báo Bộ Tài chính quý 1 (ngày 29/3), ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết căn cứ điều chỉnh mức GTGC là khi sửa Luật Thuế TNCN hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động đến 20%.

Theo ông Tuấn, qua theo dõi từ năm 2020 đến nay, CPI chưa biến động đến mức 20%. Ngoài ra, năm 2025 sẽ sửa đổi tổng thể Luật Thuế TNCN. Lúc đó sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh...

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế và Kế toán Trọng Tín, Uỷ viên thường trực Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay khá dày và chưa phát huy được hết đạo lý của thuế TNCN. Do đó, cần giãn khoảng cách các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.

Bên cạnh đó, theo ông Được, cần được xem xét cẩn trọng về mức GTGC, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức GTGC… Đơn cử như CPI thay đổi 5-10% thì chính phủ được phép điều chỉnh mức GTGC cho phù hợp.

Theo bà Hà, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức GTGC hiện nay là cần thiết, để đảm bảo hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người nộp thuế.

Về giải pháp ngắn hạn, bà Hà cho rằng, việc rà soát và điều chỉnh mức GTGC nên được tiến hành hàng năm hoặc chu kỳ 2 năm/lần, để kịp thời phản ánh những biến động về môi trường kinh tế, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế, thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%. Mặc dù CPI vẫn là tiêu chí đóng vai trò quan trọng giúp điều hướng, cần cân nhắc thêm những yếu tố khác để đảm bảo tính toàn diện và khách quan, ví dụ như các yếu tố về mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm,...

Bên cạnh việc điều chỉnh mức GTGC, Chính phủ còn có thể cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc (hiện đang ở mức 11 triệu/tháng) để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này tương tự như việc Singapore vừa công bố điều chỉnh nâng ngưỡng thu nhập của một số đối tượng người phụ thuộc từ 4.000 USDSingapore/năm lên 8.000 USDSingapore áp dụng cho năm dương lịch 2024.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Những vấn đề cần sửa đổi trong cách tính thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xu hướng tất yếu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN
Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đã có chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Thuế TNCN đạt trên 155.000 tỷ đồng
Tổng cục Thuế cho biết, số thu từ thuế TNCN năm 2023 trên cả nước khoảng trên 155.421 tỷ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số thu nội địa. Trong đó thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là 108.228 tỷ đồng, đạt 108,7% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN.