Những vụ án về chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng do yếu kém kiểm toán độc lập

07/11/2024, 19:38

TCDN - Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, hàng loạt các vụ án về chứng khoán gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chính từ chỗ yếu kém, chính từ có lỗ hổng trong hoạt động kiểm toán độc lập. Vì vậy cần bổ sung các tội danh liên quan đến xử lý các vi phạm, liên quan đến lĩnh vực kiểm toán độc lập.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi 7 luật để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, các điểm nghẽn và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu có ý kiến về Điều 3 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập. Về việc bổ sung đối tượng kiểm toán được quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu đồng tình với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc bổ sung khoản 5, khoản 6 vào Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập, đó là "doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán, báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan". Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng, không cần kiểm toán đã gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai).

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai).

Về sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập tại Điều 60 của luật, theo đại biểu các quy định tại khoản 1 đã bao quát được việc xử lý đối với các vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm, đó là tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự. Ngoài hình thức xử phạt hành chính còn có thể bị xử phạt bổ sung. Nếu trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về quy định tại khoản 2 về mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt.

“Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán được điều chỉnh chung bằng Nghị định 41/2018, bởi 2 lĩnh vực này có tính chất khá tương đồng, nếu điều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với kiểm toán thì có đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng trong lĩnh vực kế toán hay không? Việc nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với mức phạt trong lĩnh vực chứng khoán liệu đã phù hợp hay chưa? Nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, có thể nhận thấy rằng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu giao dịch cũng như các nhà đầu tư, trong khi đó vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhiều”, đại biểu Chung nêu rõ.

Đại biểu Chung cũng nhấn mạnh, thời gian qua, qua điều tra, xử lý đối với một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đối với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. Do đó, đại biểu đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính răn đe đối với các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm.

Mặc dù vậy, đại biểu cho rằng, việc tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung đối với các lĩnh vực khác. Nếu quy định như dự thảo chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, một ngành đang cần nhân sự gấp 3, 4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường.

Trong khi đó, góp ý vào Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai), cho hay, tại khoản 6 Điều 12 có bổ sung vào 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán vào tại Điều 12. Theo đại biểu, muốn phòng ngừa sớm, muốn xử lý sớm thì quy định về các điều cấm trong các luật chuyên ngành phải rộng hơn các cấu thành của Bộ luật Hình sự. Điều đó để tạo điều kiện để chúng ta đưa ra các biện pháp phòng ngừa và chúng ta phải xử phạt hành chính trước để ngăn chặn sớm, sau đó trong những trường hợp nhất định và gây mức độ nguy hiểm nhất định, gây ra thiệt hại nhất định thì mới xử lý hình sự.

“Để phòng ngừa các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán yêu cầu đặt ra là các các hoạt động quản lý nhà nước và trong đó đặc biệt là các nội dung, liên quan đến các hoạt động kiểm toán độc lập. Các công ty kiểm toán độc lập vừa qua chúng ta đã thấy hàng loạt các vụ án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chính từ chỗ yếu kém, chính từ có lỗ hổng trong hoạt động kiểm toán độc lập. Không xác minh, không xác thực được những hoạt động thực sự của các doanh nghiệp để tạo ra các lỗ hổng”, đại biểu Long nhấn mạnh.

Theo đại biểu Long, hiện nay, trong Bộ luật Hình sự chúng ta cũng đang thiếu tội danh liên quan đến xử lý trực tiếp đối với các vi phạm trong các hoạt động kiểm toán độc lập. Vì vậy, bên cạnh luật sửa đổi những nội dung liên quan của Luật Chứng khoán trong Luật Kiểm toán độc lập nên rà soát, sửa đổi các hành vi về các điều cấm trong luật này để làm cơ sở xử lý và đồng thời cũng là cơ sở nghiên cứu để có thể bổ sung các tội danh liên quan đến xử lý các vi phạm, liên quan đến lĩnh vực kiểm toán độc lập hiện nay chúng ta chưa có.

Giải trình về mức phạt gấp 20 lần, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, vi phạm thuộc 2 việc, nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải bị khởi tố hình sự, còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm hay tạo điều kiện để một số người, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi đó gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để có tính chất răn đe.

"Nếu như luật cũ thì rõ ràng không có tính chất răn đe nên chúng tôi trình Quốc hội với lĩnh vực đặc thù này nếu thao túng thị trường chứng khoán, gian lận trong thị trường chứng khoán, gian lận trong phát hành trái phiếu, nếu chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng, mở thời gian kiểm tra ra không phải 2 năm, khi đã kiểm tra, phát hiện ra thì quá mất thời hiệu, cho nên chúng tôi phải mở thời hiệu ra là 5 năm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Những vụ án về chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng do yếu kém kiểm toán độc lập tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan