Pacific Airlines bị ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế
TCDN - Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines bị ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá 90 ngày với số tiền hơn 751 tỷ đồng.
Thông tin từ Cục thuế Tp.HCM cho biết, ngày 2/7/2024, cơ quan này đã ra Quyết định SỐ 30083/QĐ-CTTPHCM-KĐT về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines, địa chỉ tại số 112 Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM, mã số thuế: 0301103030 để thi hành Thông báo tiền thuế nợ số 152877/TB-CTTPHCM-KĐT ngày 11/6/2024 của Cục thuế Tp.HCM.
Lý do cưỡng chế được Cục thuế Tp.HCM đưa ra là do Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền nợ thuế bị cưỡng chế hơn 751 tỷ đồng.
Theo Quyết định nêu trên, thời gian thực hiện cưỡng chế bắt đầu từ ngày 2/7/2024 (áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử).
Cùng ngày, Cục thuế Tp.HCM cũng ra thông báo ngừng sử dụng hoá đơn đối với Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines. Với lý do, Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines không chấp hành Thông báo tiền thuế nợ số 152877/TB-CTTPHCM-KĐT ngày 11/6/2024 của Cục thuế Tp.HCM.
Được biết, Pacific Airlines có tiền thân là Jetstar Pacific, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên ở Việt Nam được thành lập bởi các cổ đông là doanh nghiệp nước ngoài
Vào tháng 4/2007, Qantas Airlines đã mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược của hãng. Tập đoàn Qantas mua cổ phần của Pacific Airlines nhanh chóng bởi nó cũng có tham vọng có một hãng hàng không giá rẻ mang thương hiệu của mình ở khu vực Đông Nam Á, xa hơn nữa chính là châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, đổi tên thành đổi thành tên gọi mới là Jetstar Pacific Airlines.
Đến cuối năm 2011, cổ đông của Jetstar Pacific bao gồm 3 cổ đông là SICC (70% cổ phần), Qantas (27% cổ phần) và Saigon Toruis (3% cổ phần). Tuy nhiên, hoạt động của hãng thời điểm này cũng không hiệu quả, chỉ chiếm 17% thị phần hàng không nội địa Việt Nam, vì thế quá trình tái cơ cấu cổ đông và rà soát lại toàn bộ hoạt động lại được thực hiện.
Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.
Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines tiếp nhận 30% cổ phần do Qantas tặng nên nắm gần 99% vốn của Pacific Airlines, 1% còn lại của một cổ đông khác.
Ngày 18/3/2024, Pacific Airlines đã tạm ngưng khai thác do không còn máy bay. Hãng đã xóa nợ thành công 220 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng với chủ nợ là đối tác cho thuê máy bay. Đổi lại, hãng hoàn trả tất cả tàu đang khai thác tại Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899