Phát triển kinh tế xanh nhằm thu hút dòng vốn FDI xanh vào Quảng Nam
TCDN - Bài viết phân tích thực trạng thu hút vốn FDI vào Quảng Nam trong thời gian vừa qua, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế xanh nhằm thu hút vốn FDI xanh trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Mỹ Vân Trường Đại học Tài chính - Kế toán
TÓM TẮT
Ngày nay, sự nóng lên của trái đất là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, hiện tượng này đã làm cho thiên tai thường xuyên xảy ra và trở nên khó dự đoán hơn trước. Chính vì vậy, phát triển kinh tế xanh là một tất yếu khách quan vì nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp khi biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra nghiêm trọng. Bài nghiên cứu dưới đây phân tích thực trạng thu hút vốn FDI vào Quảng Nam trong thời gian vừa qua, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế xanh nhằm thu hút vốn FDI xanh trong thời gian tới.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, FDI xanh, kinh tế xanh, phát triển kinh tế xanh, Quảng Nam
1. Đặt vấn đề
Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm khu vực Miền Trung nước ta, là tỉnh có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nên có thể nói, việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà, FDI góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh, tạo việc làm và làm tăng thu cho ngân sách Nhà nước,…
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực mà dòng vốn FDI mang lại cho Quảng Nam thì việc khai thác các lợi ích do dòng vốn FDI mang lại cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Một số dự án FDI có quy mô lớn cũng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế xanh để thu hút dòng vốn FDI xanh trong thời gian tới là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết bởi lẽ phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu mà hết các địa phương đều đang hướng đến.
2. Nội dung
Trước những diễn biến của biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, có thể nói phát triển kinh tế xanh để thu hút dòng vốn FDI xanh là một xu hướng tất yếu của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Như vậy, có thể nói nền kinh tế xanh hướng tới lượng phát thải khí CO2 thấp, tập trung thu hút những dự án thân thiện với môi trường.
Hòa vào dòng chảy của nền kinh tế thế giới, ngày 1/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các nền kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững cũng như xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Như vậy, có thể nhận thấy rằng: mục tiêu của Chiến lược quốc gia là chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh để phù hợp với xu thế hiện nay.
Không nằm ngoài xu thế đó, Quảng Nam đang chú trọng thu hút vốn FDI đầu tư cho tăng trưởng xanh, đặc biệt ở các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Theo quy hoạch đến 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000ha cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Những khu công nghiệp mới sẽ phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh đã và đang quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động.

Tỉnh Quảng Nam xác định, hạ tầng “cứng” và cơ chế “mềm” là điều kiện quan trọng để địa phương chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, tính đến 31/12/2024, Quảng Nam thu hút được 193 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 6.083,72 triệu đô la Mỹ, đây quả là một con số khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động.
Trong số 193 dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam trong thời gian qua thì có đến 132 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; chiếm 68,39% tổng số dự án và chiếm 27,98% tổng số vốn đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đứng vị trí thứ 2 về số dự án nhưng lại dẫn đầu về số lượng vốn đăng ký, chiếm đến 70,76 % (4.304,60 triệu USD) tổng số vốn đăng ký. Mặc dù ngành du lịch gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid – 19 nhưng nhờ vào “Bộ Tiêu chí du lịch xanh” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hàng vào ngày 04/12/2021 nên số vốn đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh trong những năm gần đây, điều đó đã cho thấy du lịch đã, đang và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Qua số liệu thống kê, ta có thể thấy được rằng: hầu hết các dự án FDI ở Quảng Nam chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực này ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải khí CO2 lớn, chính vì thế đã không ít các doanh nghiệp gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không được phát hiện kịp thời, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng chưa có đủ kinh nghiệm để có thể sàn lọc những dự án FDI gây ảnh hưởng đến môi trường; chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn nhất là đối với những dự án có lượng phát thải khí CO2 lớn. Việc kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa thật sự hiệu quả, thiếu chế tài để có thể đảm bảo việc tuân thủ các cam kết ngay từ ban đầu của các nhà đầu tư.

Dựa vào biểu đồ trên ta có thể thấy được tình hình thu hút vốn FDI vào Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc sau đại dịch covid – 19, tuy nhiên đến năm 2023 lượng vốn FDI có phần giảm nhẹ so với năm 2022 (tổng số vốn đầu tư giảm đi 9,66 triệu USD). Nguyên nhân chính của sự giảm sút trên là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng sản xuất,… đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư để giảm thiểu rủi ro chính vì vậy đã ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn FDI vào Quảng Nam trong năm 2023. Cùng với việc thu hút vốn đầu tư, công tác rà soát, hậu kiểm sau cấp chứng nhận đăng ký được tỉnh Quảng Nam quan tâm, góp phần giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực triển khai dự án, chính vì vậy mà lượng vốn FDI vào Quảng Nam tăng vọt trong năm 2024, với tổng số vốn đăng ký đạt 149,46 triệu USD (tăng 255,13% so với năm 2023), có thể kể đến là Nhà máy Nam châm từ tính của Công ty Star Group Industrial (Hàn Quốc), hay dự án Sản xuất thiết bị âm thanh của Công ty Guoguang Electric (Trung Hoa),… Hầu hết các dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam đều thành công nên đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mỗi năm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp cho ngân sách cảu tỉnh hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 62 nghìn lao động địa phương,…
Mặc dù dòng vốn FDI chảy vào Quảng Nam có nhiều khởi sắc hơn trong những năm gần đây, tuy nhiên con số đạt được vẫn chưa tương xứng với nguồn lực địa phương đã dành cho doanh nghiệp, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hầu hết các dự án FDI chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: công nghệ chế biến – chế tạo, ít thân thiện với môi trường.
Thu hút FDI xanh đồng nghĩa với việc thu hút các dự án FDI thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Để có thể chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh” nhằm thu hút dòng vốn FDI xanh trong thời gian tới thì Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Thứ nhất, Cần thận trọng khi xem xét và phê duyệt các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực hiện nghiêm việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trước khi cấp phép, mạnh dạn “nói không” với các loại hình sản xuất phát thải lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng cái tiêu chí sàn lọc các dự án FDI để làm cơ sở để thu hút các dự án FDI cho thật hiệu quả. Đồng thời nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư.
- Thứ hai, Cải thiện môi trường thông qua “xanh hóa” các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam cần phải có những chế tài đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hướng phát triển xanh, kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường.
- Thứ ba, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường.
- Thứ tư, Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường.
- Thứ năm, Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết ”xanh”...
3. Kết luận
“Phát triển kinh tế xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh nhằm thu hút dòng vốn FDI xanh là xu hướng mà Việt Nam đang hướng tới và Quảng Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Tuy nhiên, muốn thực hiện được và đạt được hiệu quả cao thì tỉnh Quảng Nam cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động, phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà cần phải có sự hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Tài liệu tham khảo
1. Thu hút vốn đầu tư FDI bằng việc phát triển kinh tế xanh. Địa chỉ website: https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12828/thu-hut-von-dau-tu-fdi-bang-viec-phat-trien-kinh-te-xanh.html
2. Cục Thống kê Quảng Nam. Địa chỉ website: https://qso.gov.vn/
3. Ths. Đàm Thị Thu Thủy (2021). Giải pháp thu hút FDI xanh vào Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021.
4. TS. Cao Văn Trường (2022). Nền kinh tế xanh – sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Tạp chí Công Thương, số 15, tháng 6 năm 2022.
5. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899