Phó thủ tướng nói về đề xuất ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh

30/10/2024, 13:58

TCDN - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quy định tạm hoãn xuất cảnh người đại diện doanh nghiệp nợ thuế quá hạn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được nêu trong luật.

Chiều 29/10, liên quan đến quy định bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, quy định người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã được nêu trong luật, theo Dân trí.

Về câu hỏi mức nợ thuế thấp có thể xem xét bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh không? Ông Phớc đặt vấn đề: "Nếu nói thấp thì bao nhiêu là thấp. Nếu nợ thuế 100 triệu đồng là thấp thì sao không nộp".

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Liên quan tới tiền phạt chậm nộp thuế, theo ông Hồ Đức Phớc, quan điểm Chính phủ đưa ra trong dự thảo luật là chuyển quyền của Quốc hội sang Chính phủ để Chính phủ quyết việc miễn, giảm tiền chậm nộp.

Phó thủ tướng dẫn ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kinh doanh thua lỗ bị xử lý hình sự, doanh nghiệp bị phá sản, không trả được tiền thuế trong khi người dân đã đóng tiền mua dự án. Nếu tính chậm nộp hàng chục năm, tiền gấp gần chục lần tiền gốc. Vậy khi đó sẽ giải quyết quyền lợi người dân thế nào, đặc biệt khi chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự, doanh nghiệp bị phá sản? Theo ông Phớc, trong những trường hợp này có thể xem xét miễn, giảm phần chậm nộp thuế để tạo thuận lợi cho người dân.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, tại khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế, quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế”. Do đó, khi người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu thì không thể thu được tiền thuế nợ khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng.

Cho nên tại điểm b khoản 9 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi lần này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế như sau: “đ) Trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh.”

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, vấn đề chậm nộp thuế cần phải bổ sung thêm. Cụ thể, theo các quy định hiện hành có một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, xử lý chậm nộp… được phân cấp, giao thẩm quyền xử lý cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Đối với cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND tỉnh phải báo cáo tình hình kết quả cho HĐND cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước.

“Tôi thấy việc xử lý nộp chậm cần được xử lý kịp thời, dứt điểm, vì nếu do thủ tuc, các quy định mà làm kéo dài thời gian thì mức phạt sẽ tăng. Vì vậy tôi kiến nghị cần giao Chính phủ quy định cụ thể về phân cấp, giao quyền miễn, giảm thuế, xử lý phạt chậm nộp thuế… sẽ chủ động và phù hợp với thực tiễn hơn”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị quy định cụ thể các trường hợp miễn, giảm thuế, phạt chậm nộp do các nguyên nhân khách quan, cụ thể: chủ đầu tư đã chịu hình phạt tù có thời hạn; Hướng dẫn sai của cơ quan nhà nước, có nghĩa là trường hợp sai, dẫn đến chậm nộp là do nhà nước. Điều này cũng phù hợp nội dung Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 16 như sau: “8. Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát thêm quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp được tuyên bố phá sản quy định tại Khoản 1, Điều 85 tại Luật Quản lý thuế để đưa vào Dự thảo 1 Luật sửa 7 Luật một cách cụ thể và tường minh hơn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện cần và đủ cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực quản lý thuế, đại biểu đề xuất cần quan tâm bố trí kinh phí để hiện đại hoá ngành thuế trong thời đại kinh tế số.

Trước đó, thẩm tra về nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh của người đại diện doanh nghiệp hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Số lượng các trường hợp phải tạm hoãn xuất cảnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Trong khi đánh giá của cơ quan thuế cho thấy tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất.

Cơ quan soạn thảo đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, bảo đảm hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết.

Trong trường hợp nhất thiết cần sửa nội dung này, đề nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thời gian qua, cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Huyền Châu (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng nói về đề xuất ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tổng cục Thuế nói về quy định tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, người nộp thuế băn khoăn về quy định tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp chây ì nợ thuế. Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế.
Nợ thuế trên 90 ngày đang bị cưỡng chế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Tổng cục Thuế yêu cầu thực hiện áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.