PHS chỉ ra những động lực đẩy giá cổ phiếu STK

15/11/2021, 08:46

TCDN - Sang năm 2022, PHS cho rằng cổ phiếu STK sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng phát triển bền vững ngày càng tăng tốc của ngành dệt may.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CTCP Sợi Thế kỷ (STK) đạt 1.545,6 tỷ đồng (tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của STK tăng 171% lên 203 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch năm 2021 nhờ giá sợi trung bình tăng 43%.

Sợi tái chế là động lực tăng trưởng doanh thu, chiếm 54% doanh thu thuần 9 tháng 2021, tương đương 833 tỷ đồng (tăng 83%) nhờ định hướng của công ty phát triển sợi tái chế và nhu cầu sử dụng sợi tái chế của các nhãn hàng gia tăng.

Chiến lược phát triển sợi tái chế tạo động lực tăng trưởng dài hạn

Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế. Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty

Dự án liên minh Sợi – Vải – May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP: STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022.

CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi về sau phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP.

STK

Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước. Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai.

Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24.000 tấn/năm).

Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt. Chúng tôi ước tính doanh thu của STK sẽ tăng mạnh khoảng 32,9% trong năm 2023 lên 3,283 tỷ đồng, và đạt tốc độ CAGR là 17,2% trong giai đoạn 2021-2025.

Dù giãn cách xã hội buộc STK phải giảm công suất sản xuất, nhưng công ty vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021. Sang năm 2022, PHS cho rằng STK sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng phát triển bền vững ngày càng tăng tốc của ngành dệt may.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) ước tính doanh thu thuần của STK trong năm 2022 đạt 2.472 tỷ đồng (tăng 14,9% so với năm trước), trong khi lợi nhuận sau thuế của STK trong năm 2022 đạt 302 tỷ đồng (tăng trưởng 7,9%). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu STK là 61.500 đồng/cổ phiếu (-0.4% so với giá hiện tại). Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu STK.

Rủi ro: (1) Rủi ro lớn nhất của STK là rủi ro nguồn nguyên liệu. Ngoài ra công ty còn có những rủi ro sau: (2) Rủi ro về từ dịch Covid-19; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro pha loãng.

Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 12/11, giá cổ phiếu STK tạm dừng ở mức 60.000 đồng. Trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu STK tăng 10%, còn trong vòng một quý, giá cổ phiếu STk tăng 25%.

Tố Quyên
Bạn đang đọc bài viết PHS chỉ ra những động lực đẩy giá cổ phiếu STK tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan