Phương Đông Green Park: Từ đất thuê thành dự án nghìn tỷ như thế nào?

11/09/2020, 08:11
báo nói -

TCDN - Dự án Phương Đông Green Park vốn là đất do Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần đang quản lý, sử dụng và cho Công ty Phương Đông thuê để làm trụ sở, văn phòng làm việc.

Đất trụ sở biến thành đất ở như thế nào?

Ngày08/08/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5282/QĐ-UBND thu hồi 14.346,6m2 đất tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai do Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần đang quản lý, sử dụng và cho Công ty Phương Đông thuê để làm trụ sở, văn phòng làm việc. Quyết định này do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký. 

Thế nhưng ngay từ đầu năm 2017, tại ô đất này đã diễn ra các hoạt động thi công. Việc triển khai xây dựng tại số 1 Trần Thủ Độ đã được UBND phường Hoàng Liệt ra quyết định đình chỉ thi công  đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông, đơn vị chủ đầu tư. UBND quận Hoàng Mai đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án mới được triển khai.

Đến ngày 24/10/2018, UBND TP Hà Nội có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 5724/QĐ-UBND và Quyết định số 4040/QĐ-UBND ngày 29/07/2019, cho phép Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phương Đông chuyển mục đích sử dụng 14.346,6m2 đất tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai để thực hiện Dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (tên thương mại là Phương Đông Green Park).

Trên một số website bán hàng, Công ty này quảng cáo: "Công ty được nhà nước giao cho khu đất đắc địa rộng lên tới hơn 1,6ha tại địa chỉ số 1 Trần Thủ Độ - trung tâm Khu đô thị Pháp Vân - của ngõ phía Nam của Thủ đô để triển khai dự án khu nhà ở cao tầng mang tên Phương Đông Green Park".

Dự án Phương Đông Green Park liên tiếp dính các vấn đề liên quan đến vi phạm TTXD: từ xây dựng không phép đến sai phép và 'xơi' án phạt.

Dự án Phương Đông Green Park liên tiếp dính các vấn đề liên quan đến vi phạm TTXD: từ xây dựng không phép đến sai phép và 'xơi' án phạt.

Không chỉ thế, ngày 20/01/2011, UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số: 01121000930 cho Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án Tổ hợp nhà ở, Văn phòng và Dịch vụ thương mại trên phần diện tích này. Thời điểm đó, Tổng Công ty vẫn đang là doanh nghiệp nhà nước.

Công ty Phương Đông có là chủ đầu tư thực sự? 

Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập theo Quyết định số 378/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 8/2/2007, của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Ngày 15/7/2014, Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg, phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Nông thôn thành Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần.

Tổng công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, chính thức trở thành công ty cổ phần từ ngày 27/01/2015. Điểm đáng lưu ý, theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Nhà nước sẽ bán hết 100% vốn tại Tổng công ty cổ phần hóa. Tuy nhiên, số cổ phần chào bán đã không bán hết, nên khi chuyển thành công ty cổ phần (2015), Nhà nước còn nắm giữ 33,74% vốn điều lệ của tổng công ty. Đến ngày 31/12/2018, toàn bộ cổ phần nhà nước tại tổng công ty mới bán hết. 

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phương Đông là công ty con có 100% vốn góp của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, với giá trị vốn góp là 92 tỷ đồng. Đến ngày 7/1/2016, Công ty Phương Đông được thành lập do ông Nguyễn Anh Tuấn nắm giữ vị trí Chủ tịch kiêm giám đốc, đại diện pháp luật của công ty. 

Tuy nhiên khi thành lập, vốn điều lệ của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam là 100 tỷ đồng nhưng đến tháng 1/2016 lại góp 92 tỷ đồng thành lập Công ty Phương Đông, chỉ ít hơn vốn điều lệ của Tổng Công ty là 8 tỷ đồng?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quyết định đầu tư góp vốn ở quy mô này là thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông tổng công ty, gồm cả cổ đông nhà nước (khi đó chưa thoái vốn xong). Vậy quyết định góp vốn của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam thành lập Công ty Phương Đông là dựa trên quyết định của đại hội cổ đông, hay của HĐQT khi đó?

Bên cạnh đó, ngày 30/3/2020, Công ty Phương Đông có hợp đồng tín dụng số: 21273.20.065.3356128.BĐ với MB Bank chi nhánh Hai Bà Trưng. Theo đó, tài sản đảm bảo là toàn bộ phần vốn góp cùng các quyền, quyền lợi và lợi ích phát sinh từ phần vốn góp của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần tại Công ty Phương Đông, có mã số doanh nghiệp số: 0107283671 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp đăng ký lần đầu ngày 07/01/2016, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 15/01/2018. Giá trị góp vốn: 92 tỷ đồng.

Ngày 31/3/2020, Công ty Phương Đông có hợp đồng 21271.20.065.3356128.BĐ với MB Bank - Chi nhánh Hai Bà Trưng. Theo đó, tài sản thế chấp là lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất có địa chỉ: Khu C1, đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Điểm “bất thường” trong hợp đồng này, đó là Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam là chủ sở hữu số vốn này, nhưng lại không phải là pháp nhân đứng tên thế chấp trong hợp đồng với MB Bank?

Hết xây dựng không phép đến sai phép 

Từng có "tiền sử" bị phạt vì thi công không có giấy phép xây dựng, nhưng sau khi được cấp phép, dự án Phương Đông Green Park (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại tiếp tục bị cơ quan chức năng xử phạt khi xây dựng các khối nhà ở thấp tầng sai phép, sai thiết kế được duyệt.

Cụ thể, dự án này được khởi công từ đầu năm 2017 nhưng sau đó bị đình chỉ thi công vì không có giấy phép xây dựng. Sau hơn 2 năm 'đắp chiếu', đến cuối năm 2019, dự án được tái khởi động khi CĐT được cấp phép.

Mặc dù triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đến 9/9/2019 CĐT mới được cấp phép xây dựng.

Mặc dù triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đến 9/9/2019 CĐT mới được cấp phép xây dựng.

Như Tài chính Doanh nghiệp đã đưa tin, sau khi được cấp phép xây dựng, CĐT đã triển khai thi công không đúng theo giấy phép đã được cấp, xây dựng các khối nhà ở thấp tầng sai phép, sai thiết kế phá vỡ quy hoạch đô thị

Tại căn số 8, vị trí tum chuyển từ trục B1-C1 sang trục C1-D1, diện tích tum tăng thêm so với bản vẽ thiết kế được phê duyệt là 3,05m2. Từ căn số 9 đến căn 13, chuyển vị trí cầu thang bộ của tầng 1, tầng 2 từ trục B1-C1 sang trục C1-D1 và làm thêm thang máy tại trục B1-C1. Trong khi đó, diện tích tum tăng thêm so với bản vẽ thiết kế được phê duyệt là 2,43m2.

Từ căn số 1 đến căn số 7, chuyển vị trí cầu thang bộ của tầng 1, tầng 2 từ trục B1-C1 sang trục C1-D1 và làm thêm thang máy tại trục B1-C1. Diện tích tum thang theo bản vẽ thiết kế được phê duyệt là 18,2m2. Diện tích kiểm tra thực tế xây dựng là 33,06m2, diện tích tăng thêm so với bản vẽ thiết kế được duyệt là 14,86m2/căn.

CĐT đã triển khai thi công không đúng theo giấy phép đã được cấp, xây dựng các khối nhà ở thấp tầng sai phép, sai thiết kế phá vỡ quy hoạch đô thị. 

CĐT đã triển khai thi công không đúng theo giấy phép đã được cấp, xây dựng các khối nhà ở thấp tầng sai phép, sai thiết kế phá vỡ quy hoạch đô thị. 

Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết, thời điểm tháng 6/2020, phường phối hợp với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai kiểm tra, phát hiện CĐT xây dựng xây dựng sai so với nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với khu nhà ở thấp tầng. Sau đó, UBND phường mời đại diện CĐT lên làm việc, tuy nhiên phía CĐT bất hợp tác.

Ngày 10/8/2020, ông Đỗ Thanh Tùng - PCT UBND quận Hoàng Mai vừa có quyết định số 5142/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV đầu tư Phương Đông do đã tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới tại dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (tên thương mại là dự án Phương Đông Green Park) thuộc phường Hoàng Liệt.

Quyết định xử phạt nêu rõ, trong 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty THHH MTV đầu tư Phương Đông không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Được biết, dự án Phương Đông Green Park có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 1.700 tỷ đồng, với quy mô 2 tòa chung cư cao 29 tầng + 3 tầng hầm, tổng số 936 căn hộ, và khối nhà ở thấp tầng gồm 13 căn liền kề.

Phượng Hoàng
Bạn đang đọc bài viết Phương Đông Green Park: Từ đất thuê thành dự án nghìn tỷ như thế nào? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan