Quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu: Vừa tạo thuận lợi, vừa kiểm soát chặt chẽ
TCDN - Hiện đại hóa quản lý hải quan với doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất là một trong những cải cách, đổi mới phương thức quản lý đang được ngành Hải quan quan tâm triển khai. Điều này sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Hệ thống thông tin doanh nghiệp không tập trung
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, số lượng doanh nghiệp mở tờ khai theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong năm 2021 là hơn 10.100 doanh nghiệp; năm 2022 số doanh nghiệp mở tờ khai theo loại hình này tăng gần 2% lên gần 10.300 doanh nghiệp.
Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu. Lượng tờ khai xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cũng chiếm tỷ lệ lớn trong các năm gần đây. Có thể thấy gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất là loại hình chiếm tỷ lệ vượt trội cả về số lượng doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng tờ khai làm thủ tục hải quan.
Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến thị trường, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước… Đặc biệt, với việc được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp đã lợi dụng chế độ chính sách ưu đãi để gian lận, đối phó, tránh sự phát hiện của cơ quan Hải quan.
Thực tế, trong thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số trường hợp vi phạm. Điển hình như việc một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng hạt điều thô theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm hoặc xuất khẩu với số lượng ít mà bán nguyên liệu nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Để vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa nghiên cứu triển khai quy định mới thống nhất, tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, năm 2022 Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định về cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống camera giám sát của doanh nghiệp chế xuất với cơ quan hải quan. Đặc biệt, để triển khai đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện việc rà soát, xác định bài toán nghiệp vụ liên quan đến loại hình này và hoàn thiện xây dựng các yêu cầu quản lý, chỉ tiêu thông tin đáp ứng theo mô hình Hải quan số.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đối với công tác quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất, ngành Hải quan phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn và chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Một điểm đáng bàn là hiện nay cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, hệ thống thông tin doanh nghiệp không tập trung đang nằm rải rác ở các chương trình, hệ thống nghiệp vụ khác nhau của ngành.
Bên cạnh đó, công tác thu thập thông tin doanh nghiệp ở một số cục hải quan địa phương chưa được chú trọng, chỉ đang tập trung vào công tác thông quan. Do đó công tác thu thập thông tin doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả quản lý. Mặt khác, việc kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất của doanh nghiệp và xây dựng được một hệ thống thông tin doanh nghiệp thống nhất là một yêu cầu quan trọng trong quá trình thu thập thông tin doanh nghiệp. Qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận qua loại hình này.
Theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn, để theo dõi, quản lý được số lượng lớn doanh nghiệp này đòi hỏi cơ quan hải quan phải có phương thức và biện pháp quản lý phù hợp. Xây dựng mô hình hải quan số là nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan. Do đó, việc hoàn thiện rà soát, xác định các bài toán nghiệp vụ liên quan đến hàng hoá gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất và hoàn thiện xây dựng các yêu cầu quản lý, chỉ tiêu thông tin đáp ứng theo mô hình hải quan số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Từ quản lý đối tượng là hàng hoá sang doanh nghiệp
Ông Âu Anh Tuấn cho hay, xác định công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần thiết phải đẩy mạnh hiện đại hóa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, năm 2023, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo hướng thay đổi phương thức quản lý từ quản lý theo đối tượng là hàng hoá sang quản lý theo đối tượng là doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng cụ thể, chi tiết dữ liệu về doanh nghiệp và áp dụng cơ chế kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu quản trị sản xuất của doanh nghiệp với cơ quan hải quan phù hợp với mô hình quản lý hải quan số; trước mắt áp dụng cho khối doanh nghiệp ưu tiên.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng tiếp tục triển khai công tác quản lý đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ đáp ứng yêu cầu quản lý tờ khai xuất nhập khẩu và rà soát, phân loại xử lý tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ để xử lý dứt điểm tồn đọng.
Các đơn vị hải quan địa phương quản lý lượng doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu và doanh nghiệp chế xuất lớn cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.
Ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chuẩn hóa và kết nối được dữ liệu sẽ đem lại hiệu quả rất lớn trong việc quản lý, giám sát hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Nếu có công cụ đối chiếu, kết nối dữ liệu đủ lớn trong tay, cơ quan hải quan sẽ giảm được nguồn nhân lực làm việc thủ công, đồng thời nhận dạng, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận.
Ông Nguyễn Mạnh Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương) đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất trong mô hình Hải quan số. Trong đó có các ứng dụng CNTT tích hợp thông minh, tập trung ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Xây dựng mô hình kiến trúc phần cứng CNTT ngành Hải quan theo mô hình điện toán đám mây; Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) nhằm thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc, bán cấu trúc từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về Hải quan…
Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Dương cũng đề xuất xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dựa trên cơ sở kết nối, cung cấp thông tin giữa cơ quan Hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, tất cả các thông tin do doanh nghiệp cung cấp sẽ được hệ thống tiếp nhận, xử lý, phân tích, đánh giá thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 để đưa ra các thông tin cảnh báo, hỗ trợ người sử dụng ra quyết định tại các bước nghiệp vụ có liên quan.
Đại diện Cục Hải quan Bình Phước cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc bất cập trong quản lý giám sát hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ việc Quản lý hải quan đối với loại hình này đảm bảo chức năng kiểm tra, giám sát và quản lý từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất, đến khi xuất khẩu sản phẩm. Hệ thống cần có chức năng như: thống kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá được dữ liệu doanh nghiệp khai báo, dữ liệu xuất nhập khẩu trên các Hệ thống nghiệp vụ hải quan để hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc xác định dấu hiệu rủi ro, xác định các trường hợp phải kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị và hàng hóa xuất khẩu; báo cáo quyết toán theo quy định…
Huyền Nguyễn
email: [email protected], hotline: 086 508 6899