Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

27/11/2019, 10:42

TCDN - Với 445/450 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội, chiều ngày 26/11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Theo đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

a

Luật quy định 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm: Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân; Công bằng, công khai, minh bạch; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đề ra 7 biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Trong đó, có việc giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; Ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán; Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán…

Theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng quy định rõ mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức quản lý của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Quyền, nhiệm vụ của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát (Kiểm soát viên) thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan