Sau 3 tháng giảm thuế GTGT xuống 8%, doanh nghiệp vẫn "chưa tỏ"
TCDN - Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và Cục Thuế Tp.HCM rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn với chính sách giảm thuế GTGT xuống 8% như xác định mã hàng hóa, xuất hóa đơn...
Sáng 27/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp Cục Thuế TP tổ chức Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn thành phố kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuế.
Hội nghị thu hút hơn 230 doanh nghiệp đăng ký tham dự, Ban Tổ chức cũng đã nhận được hơn 117 câu hỏi trong đó có 45 câu hỏi gửi trước của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách giãn, giảm, gia hạn nộp thuế, hóa đơn điện tử, mẫu biểu, cách thức kê khai tờ khai khi thực hiện quyết toán thuế…
Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng cho biết việc áp dụng thực hiện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% gặp nhiều lúng túng khi xác định mã hàng, làm việc với đối tác, xuất hóa đơn…
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hưởng Thanh Bình (Tp.HCM) kiến nghị nhà nước đã giảm thuế GTGT thì nên giảm đồng bộ và có thể miễn thu 2% thuế vãng lai.
Theo đại diện này, cho biết từ tháng 2/2022, nhà nước giảm thuế suất một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng trong đó có xây dựng. Nhưng nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng khoảng 80% là mặt hàng có thuế suất 10% như sắt, thép, tôn, hóa chất, sơn... Trong khi đầu ra các mặt hàng này và công trình xây dựng, xuất hóa đơn GTGT chỉ có 8%, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, khi xây dựng công trình tại các tỉnh, thành phố khác, doanh nghiệp phải nộp thêm thuế vãng lai 2% - một khoản thuế GTGT (1% hoặc 2%) phải nộp khi thi công xây dựng, lắp đặt, chuyển nhượng bất động sản ở tỉnh, thành phố khác khiến khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ hết sức khó khăn.
Công ty TNHH RICOH Việt Nam (Quận 4) cho biết, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch kinh doanh, ký hợp đồng cho khách hàng thuê máy photocopy và cung cấp các dịch vụ liên quan, mặt hàng xác định được ưu đãi giảm thuế suất thuế GTGT còn 8% tính từ tháng 2 đến hết năm 2022. Công ty đặt câu hỏi hợp đồng từ tháng 1/2022 nhưng đến tháng 2 mới hoàn thành thì có được ưu đãi thuế 8% không? Ngược lại hợp đồng bắt đầu từ tháng 12/2022 nhưng đến tháng 1/2023 mới hoàn thành thì có được ưu đãi không?
Đại diện Cục Thuế Tp.HCM cho biết theo Nghị định 15, việc xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT hay không, doanh nghiệp căn cứ vào các hàng hóa, dịch vụ thực tế đang kinh doanh (bán ra), đối chiếu với các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế được liệt kê tại Phụ lục 1, 2, 3 ban hành kèm theo Nghị định 15.
Nguyên tắc là nếu hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các phụ lục trên thì không được giảm thuế GTGT.
Ngược lại, hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các phụ lục trên thì được giảm thuế GTGT và áp dụng thuế suất 8%.
"Việc giảm thuế được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại và được áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022", đại diện Cục Thuế Tp.HCM cho biết.
Về vấn đề thuế suất thuế GTGT 8% được áp dụng theo ngày xuất hóa đơn phát sinh nghĩa vụ thuế hay theo ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa, cơ quan thuế cho rằng việc này dựa vào thỏa thuận của hai bên. Trường hợp các đối soát được thực hiện trong kỳ tháng 1/2022 (trước khi Nghị định 15 có hiệu lực) thì không được giảm thuế GTGT, từ tháng 2 trở đi sẽ giảm thuế GTGT.
Liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hưởng Thanh Bình, theo đại diện Cục Thuế Tp.HCM đó là đặc thù của ngành xây dựng. Tuy nhiên, đấy chỉ là nguyên vật liệu, còn doanh nghiệp vẫn trả lương cho nhân công không có thuế nên sẽ hiếm có trường hợp được khấu trừ khi thi công nội địa. Nếu có thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ cho các kỳ tính thuế tiếp theo. Còn việc thuế vãng lai 2%, kể từ đầu năm 2022 đã giảm xuống chỉ còn 1%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899