Sẽ kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố và bộ, ngành

19/01/2022, 15:07

TCDN - Kiểm toán Nhà nước dự kiến từ ngày 16/2 đến 31/3 tiến hành kiểm toán việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành cơ quan Trung ương.

Sáng 19/1, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết nội dung kiểm toán tập trung vào 6 nội dung. Thứ nhất, về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đây là nội dung hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 rất đa dạng và phong phú như từ ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương); kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế (miễn, giảm, gia hạn thuế…), chính sách tín dụng (giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ…).

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, về sử dụng các nguồn lực, đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi của Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương dành cho các lực lượng như chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên…); chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; chính sách đối với người lao động; chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa; các đơn vị sử dụng người lao động.

Thứ ba, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh, quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…

Thứ tư, khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật, nhất là các phương tiện phòng, chống dịch như vaccine, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…

Thứ năm, việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm.

Thứ sáu, khó khăn vướng mắc trong việc thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh mắc Covid-19. Mặc dù tại tiết b khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép “trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn… thì được ngân sách nhà nước chi trả”.

Mục tiêu kiểm toán lần này nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Sẽ kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố và bộ, ngành tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Báo cáo công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước
Theo kế hoạch năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán 190 cuộc (181 cuộc theo kế hoạch kiểm toán đầu năm; 17 cuộc bổ sung; 8 cuộc giảm), dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán.