Sếp đường sắt đề xuất giải pháp để "cứu" ngành

09/03/2020, 08:40

TCDN - Lãnh đạo ngành đường sắt vừa đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng của ngành đang có nguy cơ dừng vì thiếu vốn.

1842_cong-nhan-sua-chua-duong-sat-1583149280-width1004height565

Trao đổi với báo chí mới đây, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi, cho biết ngay sau khi được Bộ Giao thông Vận tải giao 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, Cục Đường sắt Việt Nam đã chủ động xây dựng các phương án để thực hiện.

Cụ thể, Cục đã đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất giải quyết.

Để thực hiện giải ngân nguồn vốn bảo trì của ngành đường sắt, cần thiết phải ký được hợp đồng đặt hàng giữa Cục Đường sắt Việt Nam với đơn vị thực hiện để thực hiện tạm ứng, thanh toán.

Có 2 phương án đã được Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng, theo đó, phương án 1: Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt.

Phương án 2, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện ký hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt với 20 doanh nghiệp bảo trì của ngành đường sắt; đồng thời ký hợp đồng quản lý với VNR.

Để thực hiện các phương án đã xây dựng, tính đến nay, Cục Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần làm việc với VNR để triển khai kế hoạch bảo trì nhưng các bên chưa đi đến được thống nhất.

Theo thông báo số 70/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, 2 phương án đã được đưa ra để thảo luận cho ý kiến, theo đó, phương án 1 là giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019. Phương án 2 là đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của Cục Đường sắt Việt Nam, đối với phương án 1 có ưu điểm là có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Phương án này sẽ giúp có thời gian điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng thực hiện bảo trì bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho các năm tới.

Bên cạnh đó, VNR với việc có sẵn hệ thống quản lý cũng như nhân lực để thực hiện ngay việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Nhược điểm của phương án 1 là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay như: Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP (quy định giao nhiệm vụ đặt hang hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng vốn ngân sách nhà nước)… Để thực hiện được phương án này, cần phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với phương án 2 có ưu điểm là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng có nhược điểm là để thực hiện phương án này, cần phải có thời gian điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ.

"Trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắt hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam và VNR thời gian qua đã chủ động họp bàn thống nhất các nội dung khó khăn, vướng mắc của từng phương án để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo an toàn chạy tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt", ông Khôi cho hay.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Sếp đường sắt đề xuất giải pháp để "cứu" ngành tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu toàn quốc
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp này từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó nguy cơ cao nhất là phải dừng chạy tàu toàn quốc.