Bộ GTVT “rót” 2.800 tỷ đồng để bảo trì đường sắt trong năm 2020

27/02/2020, 15:19

TCDN - Bộ GTVT đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam 2.800 tỷ để chi cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên và kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên.

Trong đó, dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên là hơn 2.500 tỷ, bao gồm chi phí bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt và chi phí quản lý dự án hoạt động bảo dưỡng thường xuyên.

Số dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên là hơn 247 tỷ đồng, bao gồm chi phí sửa chữa định kỳ và đột xuất kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động kiểm định, các công tác khác và chi khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt do hậu quả bão lụt, sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt.

Ngoài số dự toán hơn 2.800 tỷ cho bảo trì đường sắt, số còn lại trong tổng dự toán 3.042 tỷ để giao chi các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch lập lại hành lang an toàn đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và dự phòng khắc phục bão lũ.

26bed96c-4b1b-447d-b95f-e5cdbc439691

Bộ GTVT “rót” 2.800 tỷ đồng để bảo trì đường sắt trong năm 2020

Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, Bộ GTVT đã có văn bản giao hơn 2.800 tỷ dự toán bảo trì đường sắt cho Cục Đường sắt VN. Tuy nhiên, do những vướng mắc từ các quy định pháp luật cho nên Cục Đường sắt VN và Tổng công ty Đường sắt chưa thể tiến hành ký kết hợp đồng đặt hàng Tổng công ty thực hiện quản lý, bảo dưỡng.

Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo những vướng mắc này và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020 đối với Tổng công ty Đường sắt VN.

Ngày 24/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc này. Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành Đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Hải Phong
Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT “rót” 2.800 tỷ đồng để bảo trì đường sắt trong năm 2020 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu toàn quốc
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp này từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó nguy cơ cao nhất là phải dừng chạy tàu toàn quốc.
Xem xét đưa Tổng công ty Đường sắt trở lại Bộ GTVT
Sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động của VNR gặp nhiều khó khăn khi không tiếp tục được giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước để thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.