Sứ mệnh thế kỷ của ngành hàng không với vắc xin ngừa COVID-19

02/12/2020, 14:43

TCDN - Từ vài tháng qua, các hãng hàng không trên thế giới đã chuẩn bị cho sứ mệnh vận chuyển vắc xin ngừa COVID-19 để thoát khỏi tình cảnh bi đát.

Vắc xin ngừa COVID-19 đang là "thần dược" mà nền kinh tế thế giới trông đợi. Đối với các hãng hàng không, có lẽ nó là hy vọng lớn nhất để họ thoát khỏi cơn bĩ cực mà đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 gây nên.

Trong các kho lạnh ở sân bay Frankfurt tại Đức, các phi cơ của hãng Lufthansa đang chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển hàng triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Từ tháng 4, Lufthansa, một trong những doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, đã bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển vắc xin do hãng dược phẩm Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc điều chế.

Đội ngũ vận chuyển, gồm 20 người, xếp khối hàng lên 15 chuyên cơ Boeing Co. 777 và MD-11.

"Mở rộng quy mô như thế nào là vấn đề chúng tôi trăn trở", ông Thorsten Braun tại Lufthansa nói với Bloomberg.

Một phi cơ chở khách Airbus A330 của hãng hàng không Sri Lanka Airlines

Một phi cơ chở khách Airbus A330 của hãng hàng không Sri Lanka Airlines "lột xác" thành máy bay chở hàng hóa hồi tháng 6. Ảnh: Getty Images

Nhu cầu hàng không toàn cầu lao dốc thê thảm vì COVID-19. Song hiện tại, các hãng hàng không toàn cầu sẽ đóng vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống đại dịch với "sứ mệnh" vận chuyển hàng tỷ liều vắc xin đến khắp nơi trên thế giới.

Vận chuyển vắc xin là một nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt khi các hãng hàng không phải giảm nhân lực, số chuyến bay và máy bay để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu vì dịch COVID-19. Lưu lượng vận tải hàng không giảm 61% trong năm nay, theo nhiều ước tính.

"Đây sẽ là nhiệm vụ hậu cần lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay. Thế giới đang đặt niềm tin vào chúng ta", ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), phát biểu.

IATA ước tính ngành hàng không cần đến 2 năm để cung cấp khoảng 14 tỷ liều vaccine cho tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông trên toàn cầu.

Bà Katherine O’Brien, Giám đốc Tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới, ví nhiệm vụ phân phối vắc xin sau quá trình phát triển kéo dài nhiều tháng giống như nỗ lực chinh phục đỉnh Everest khi đã đến trại căn cứ.

"Phân phối vắc xin mới là leo lên đỉnh cao thực sự", bà Katherine O’Brien nhấn mạnh.

Khả năng chứa hàng là mối quan tâm đầu tiên. Khoảng 2.000 máy bay chuyên dụng đang vận chuyển khoảng 50% hàng hóa vận chuyển bằng đường không. Số phi cơ còn lại sẽ được chuyển đổi từ 22.000 máy bay chở khách thông thường.

Hãng dược Pfizer muốn phân phối 1,3 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, Moderna sản xuất khoảng 500 triệu liều. AstraZeneca có thể sản xuất 2 tỷ liều, và họ muốn dành 50% trong số đó cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

"Nhiệm vụ cấp bách mà chúng tôi phải thực hiện là nhanh chóng giúp thế giới phục hồi. Đưa vắc xin ngừa COVID-19 tới người cần là một phần của nhiệm vụ ấy. Vì vậy, chúng tôi cho phép các máy bay trở lại", ông Dennis Lister, Phó chủ tịch phụ trách hàng hóa của Emirates, phát biểu.

Bà Glyn Hughes, Trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu của IATA, kêu gọi chính phủ mở lại không phận để các máy bay chở khách hoạt động trở lại, hỗ trợ quá trình phân phối vắc xin.

Năng lực bảo quản là vấn đề đáng quan tâm thứ hai. Vắc xin của Pfizer-BioNTech cần môi trường ở nhiệt độ âm 70 độ C. Lựa chọn dễ nhất là sử dụng tủ đông siêu lạnh hoặc để trong tủ đông thông thường tối đa 5 ngày. Đa số máy bay không có khả năng giữ lạnh các mặt hàng như vậy, nên các hãng hàng không phải dùng thùng chứa chuyên dụng của Pfizer.

United Airlines Holdings đã sẵn sàng phân phối vắc xin của Pfizer nếu giới chức phê duyệt nó. Delta Air Lines Inc. và American Airlines Group Inc. cũng chuẩn bị xử lý các lô hàng của Pfizer, theo một nguồn tin của Bloomberg. Hãng American Airlines còn huy động container có khả năng kiểm soát nhiệt độ và các lô hàng đóng gói sẵn với túi lạnh hoặc đá khô.

Dù còn vô số trở ngại, một mạng lưới toàn cầu đã ra đời để phân phối dược phẩm sẽ thúc đẩy quá trình phân phối vắc xin. Các thành phố từ Miami, Dallas và London, Seoul, Liege, Dubai, Mumbai đến Singapore đều có những kho chứa siêu lạnh.

United Parcel Service Inc. đã xây dựng các cơ sở ở Louisville, Kentucky và Hà Lan với tổng số 600 tủ đông siêu lạnh. Mỗi tủ có thể chứa 48.000 lọ vắc xin ở nhiệt độ thấp tới âm 80 độ C.

FedEx Corp. tăng thêm  tủ đông và xe tải lạnh vào mạng lưới dây chuyền vốn đã rộng khắp. Các hãng giao hàng có kinh nghiệm vận chuyển vắc xin cúm và mẫu y tế ở nhiệt độ thấp. Đầu năm nay, cả UPS và FedEx đều đã vận chuyển vật tư y tế đến Mỹ trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt thuốc men, trang thiết bị y tế diễn ra nghiêm trọng.

Suốt vài tháng qua, cả UPS và FedEx đã phối hợp với các hãng sản xuất vắc xin và quan chức chính phủ để chuẩn bị cho quá trình phân phối vắc xin.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Sứ mệnh thế kỷ của ngành hàng không với vắc xin ngừa COVID-19 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan