Sửa đổi, bổ sung quy định tín dụng đầu tư của nhà nước, "cởi trói" cho VDB

08/11/2023, 15:43
báo nói -

TCDN - Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện.

Nghị định 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ gồm 4 điều. Trong đó có các điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Điều 2. Bãi bỏ, thay thế; Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp; Điều 4. Điều khoản thi hành.

Tại Điều 1, Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 3 “cơ cấu lại thời hạn trả nợ” là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi; gia hạn nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận”.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Nghị định quy định trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, VDB xây dựng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các nội dung: Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm thực hiện, dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; khả năng huy động vốn và cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ của VDB để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được…

Nghị định cũng sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 6 “Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án”.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi khoản 2 Điều 7 “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 5 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.

Về lãi suất cho vay, Nghị định sửa đổi theo hướng “Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này”.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/12/2023. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với toàn bộ dư nợ và các khoản giải ngân còn lại (nếu có) của các hợp đồng tín dụng này trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan thỏa thuận thống nhất áp dụng một trong các quy định về thời hạn cho vay tại khoản 7 Điều 1, lãi suất cho vay tại khoản 8 Điều 1 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này, theo nguyên tắc Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá và chịu trách nhiệm về khả năng, phương án trả nợ của khách hàng.

Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan không có thỏa thuận thống nhất việc áp dụng các quy định tại điểm a khoản này thì tiếp tục thực hiện theo các cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký và được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, phí quản lý; riêng lãi suất đối với các khoản giải ngân còn lại kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này theo từng lần giải ngân.

Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư, hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và xóa số nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả đã phát sinh chưa thu đến thời điểm dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP là cần thiết hiện nay nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện, khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc về quy định tại Nghị định số 32 để chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tiếp tục đi vào cuộc sống, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi, bổ sung quy định tín dụng đầu tư của nhà nước, "cởi trói" cho VDB tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dự án vay vốn Ngân hàng phát triển Việt Nam có thể lên tới 20 năm
Dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước quy định: "Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án nhưng tối đa không quá 20 năm".
Cơ chế nào thúc đẩy sự phát triển của Ngân hàng VDB?
Quy định của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ quyết định một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hằng năm và áp dụng cho toàn bộ dư nợ của các hợp đồng vay vốn ký kết.
Ông Lương Hải Sinh tiếp tục làm Chủ tịch VDB
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1518/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Lương Hải Sinh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nhiệm kỳ 2021 - 2026.