Tái định hình chiến lược đầu tư ngân hàng - bảo hiểm trong bối cảnh ESG và tài chính xanh
TCDN - Mục tiêu của bài viết là làm rõ nội hàm và vai trò của UNPRI trong hệ sinh thái tài chính hiện đại, từ đó giúp nhà đầu tư, nhà quản lý và các bên liên quan nhận thức được tầm quan trọng của việc lồng ghép yếu tố ESG vào hoạt động đầu tư.
Tóm tắt
Bài viết giới thiệu về UNPRI (Nguyên tắc Đầu tư Có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc), một sáng kiến toàn cầu ra đời năm 2006 nhằm thúc đẩy việc tích hợp các yếu tố môi trường (E), xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G) vào chiến lược đầu tư của các tổ chức tài chính. UNPRI đưa ra 6 nguyên tắc định hướng cho nhà đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả dài hạn, giảm thiểu rủi ro phi tài chính và thúc đẩy phát triển bền vững. Mục tiêu của bài viết là làm rõ nội hàm và vai trò của UNPRI trong hệ sinh thái tài chính hiện đại, từ đó giúp nhà đầu tư, nhà quản lý và các bên liên quan nhận thức được tầm quan trọng của việc lồng ghép yếu tố ESG vào hoạt động đầu tư. Bài viết cũng hướng đến việc khuyến nghị áp dụng UNPRI tại Việt Nam nhằm đón đầu xu thế tài chính xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính minh bạch trong thị trường vốn.
I. Bối cảnh mới của thế giới tài chính
Từ chủ nghĩa lợi nhuận thuần túy đến đạo lý tài chính hiện đại khởi phát từ thế kỷ XIX, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai, đã được định hình bởi triết lý trọng lợi nhuận tối đa. Trên nền tảng tư bản cổ điển, các tổ chức tài chính toàn cầu được khuyến khích tập trung vào hiệu quả sinh lời, tăng trưởng tài sản và tối ưu hóa giá trị cho cổ đông.
Tuy nhiên, những cú sốc lớn của thế kỷ XXI như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công tại châu Âu 2011, đại dịch COVID-19 và gần đây là cuộc chiến Nga - Ukraine, đã khiến hệ thống tài chính toàn cầu phải nhìn lại chính mình. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và cả chính phủ nhận thức được rằng, một hệ thống tài chính không có nền tảng đạo lý sẽ không thể bền vững.
ESG và sự hình thành chuẩn mực mới trong đầu tư Khái niệm môi trường – xã hội và quản trị (ESG) lần đầu xuất hiện trong báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2004 với tựa đề "Who Cares Wins". Từ một nguyên tắc định hướng đạo đức trong đầu tư, ESG đã dần trở thành khung đánh giá chuẩn mực, được áp dụng rộng rãi trong hoạt động đầu tư, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro tài chính.
Đến năm 2023, hơn 5.000 tổ chức đầu tư với tổng tài sản trên 121 nghìn tỷ USD đã cam kết thực hiện đầu tư có trách nhiệm theo các nguyên tắc của Nguyên tắc Đầu tư Có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc (UNPRI). Các tổ chức như BlackRock, Vanguard, Temasek… không chỉ yêu cầu doanh nghiệp minh bạch về chỉ số ESG mà còn tích cực rút vốn khỏi những lĩnh vực gây hại môi trường như than đá, dầu khí truyền thống, khai thác rừng nguyên sinh…
Tài chính và niềm tin: Một cuộc tái định giá vô hình Song hành cùng ESG là làn sóng tài chính đạo lý (ethical finance), nơi niềm tin, minh bạch và mục tiêu vì con người được đề cao như những yếu tố tạo nên giá trị lâu dài. Không chỉ các nhà đầu tư tổ chức, mà cả người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ thuộc Gen Z và Millennials ngày càng đặt câu hỏi: “Tiền của tôi đang được đầu tư vào đâu?”, “Doanh nghiệp tôi gửi gắm có bảo vệ môi trường không?”, “Ngân hàng có đóng góp gì cho công bằng xã hội?”…
Theo báo cáo của Morgan Stanley (2022), 85% nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ từ 18–35 tuổi mong muốn danh mục đầu tư của mình gắn với tiêu chí bền vững. Tại châu Âu, hơn 70% các quỹ đầu tư mới ra mắt trong năm 2023 đã có yếu tố ESG trong chiến lược hoạt động. Những con số này cho thấy, giá trị đạo lý và tác động xã hội không còn là phụ trợ, mà đang dần trở thành động lực chính trong định hướng vốn toàn cầu.
Hiện tại, các mô hình chuyển dịch lớn trong tài chính toàn cầu, bao gồm: Từ tài chính tuyến tính sang tài chính tuần hoàn, các tổ chức tín dụng bắt đầu ưu tiên đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi tài nguyên được tái chế và giá trị được tái tạo. Từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư giá trị dài hạn, lợi nhuận nhanh không còn hấp dẫn bằng tăng trưởng bền vững, an toàn và gắn kết cộng đồng. Từ cổ đông đơn lẻ sang đa bên liên quan, ngân hàng và bảo hiểm không còn chỉ phục vụ lợi ích của cổ đông, mà phải cân nhắc lợi ích xã hội, môi trường, khách hàng và cả thế hệ tương lai.
Vai trò của thể chế và khung pháp lý quốc tế không thể không nhắc tới vai trò của các thể chế như Liên minh châu Âu (EU), G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc thúc đẩy khung tài chính xanh toàn cầu và định hình hành lang pháp lý cho dòng vốn xanh.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore đều đã xây dựng chiến lược tài chính xanh quốc gia. Việt Nam, tuy mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng cũng đã có Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2030, cùng kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước trong thúc đẩy tín dụng xanh và đầu tư bền vững.
II. Tái kiến thiết chiến lược đầu tư của ngành Ngân hàng – Bảo hiểm trong thời đại ESG
Sự thức tỉnh chiến lược từ trái tim rủi ro
Ngành ngân hàng - bảo hiểm từ lâu được ví như “động mạch chủ” của nền kinh tế thị trường, nơi điều tiết dòng vốn, phân bổ rủi ro, và dẫn dắt kỳ vọng. Tuy nhiên, chính hai ngành trụ cột này cũng là những đối tượng nhạy cảm bậc nhất trước những “cơn dư chấn ESG” đang lan rộng trên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp tới phí tổn và khả năng thanh toán của các hãng bảo hiểm. Đồng thời, các ngân hàng, vốn là nhà cung cấp tín dụng cho các ngành phát thải cao đang phải đối mặt với áp lực thanh tra từ cơ quan quản lý, kỳ vọng của cổ đông và phản ứng xã hội nếu không điều chỉnh danh mục đầu tư. Trong khung cảnh ấy, việc xây dựng chiến lược đầu tư mới không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh sinh tồn.
Từ “quản trị rủi ro” sang “dẫn dắt chuyển đổi”
Truyền thống xưa kia đặt ngân hàng và bảo hiểm ở vai trò phòng ngừa rủi ro, bảo toàn tài sản. Nay, họ buộc phải chuyển mình trở thành người “kiến tạo tương lai”, chủ động đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, và tài trợ cho những dự án vì cộng đồng.
Chiến lược đầu tư mới không chỉ loại trừ những lĩnh vực gây hại môi sinh, mà còn tích cực tìm kiếm cơ hội trong những ngành công nghiệp bền vững: năng lượng tái tạo, giao thông sạch, công nghệ tiết kiệm carbon, nông nghiệp tái sinh... Đó là một sự thay đổi “từ phòng ngự sang tấn công”, từ bị động sang chủ động định hình tương lai.
Thiết kế lại danh mục đầu tư
Danh mục đầu tư hiện đại không thể chỉ dựa trên hệ số sinh lời hay xếp hạng tín dụng, mà phải tích hợp các tiêu chí ESG ngay từ khâu sàng lọc ban đầu. Điều này đòi hỏi ngân hàng và bảo hiểm phát triển hệ thống đánh giá rủi ro ESG nội bộ, đào tạo chuyên gia phân tích ESG, và ứng dụng dữ liệu phi tài chính trong ra quyết định đầu tư. Một số ngân hàng tiên phong trên thế giới như BNP Paribas, DBS Bank, hay Zurich Insurance đã thiết lập riêng các “ESG Investment Office” nơi liên kết giữa đội ngũ đầu tư, kiểm toán rủi ro và chuyên gia môi trường để đảm bảo mọi đồng vốn giải ngân đều đi đúng hướng phát triển bền vững.
Từ đạo đức nghề nghiệp đến sứ mệnh xã hội
Chiến lược đầu tư mới không thể tách rời đạo lý nghề nghiệp. Giới ngân hàng và bảo hiểm, những người giữ “hộp đen niềm tin” của xã hội, nay cần tái định vị mình như là người bảo trợ của những giá trị bền vững, người giữ lửa cho niềm tin vào một thế giới nhân bản và công bằng.
Ở đây, đầu tư không chỉ là tính toán lãi suất, mà còn là biểu hiện của sứ mệnh, là cách một tổ chức trả lời câu hỏi: “Ta để lại gì cho thế hệ mai sau?” Giống như ngân hàng lâu đời nhất nước Ý - Monte dei Paschi di Siena từng ra đời với sứ mệnh bảo trợ người nghèo và cứu tế nông dân sau nạn đói, ngân hàng hiện đại cũng cần khơi lại tinh thần khai sinh: “vì cộng đồng mà phụng sự”.
Xây dựng năng lực thể chế và công nghệ đồng hành
Không có chiến lược nào có thể vận hành trơn tru nếu thiếu đi năng lực thể chế và hạ tầng công nghệ tương ứng. Ngân hàng và bảo hiểm cần tái cấu trúc từ bên trong: tích hợp chỉ tiêu ESG vào KPI quản trị; cập nhật hệ thống xếp hạng tín dụng ESG; xây dựng báo cáo tác động bền vững theo chuẩn mực ISSB hoặc GRI; đầu tư vào công nghệ blockchain, AI và big data để theo dõi chuỗi giá trị đầu tư theo thời gian thực.
Sự chuyển đổi này không chỉ đòi hỏi tài chính, mà còn cần dũng khí tổ chức, tinh thần cải cách, và trên hết là tầm nhìn chiến lược gắn với lợi ích chung lâu dài.
III. Ngân hàng - Bảo hiểm trong cuộc đại chuyển dịch ESG
Ngân hàng và bảo hiểm là hai trụ cột vững chắc của nền tài chính hiện đại từ lâu đẫ được nhìn nhận như những “kẻ gác đền” cho dòng vốn và niềm tin xã hội. Nhưng trong cơn bão ESG, vai trò ấy đang chuyển hóa. Không còn chỉ là người cho vay, cấp vốn, hay bảo hiểm rủi ro thuần túy, họ nay trở thành “người dệt mộng” cho một tương lai xanh, bền vững và bao trùm. Chiếc áo cũ của lợi nhuận ngắn hạn đang trở nên chật chội. Linh hồn của ngân hàng - bảo hiểm thời đại mới là sự minh bạch, trách nhiệm và gắn kết với cộng đồng. Đó là khi mỗi đồng vốn không chỉ sinh lời, mà còn gieo mầm thiện chí, phục dựng niềm tin và sửa chữa những gãy vỡ đạo lý trong hệ thống tài chính.
Trong làn sóng ESG, ngân hàng không thể chỉ dừng lại ở “xanh hóa” danh mục tín dụng, mà phải tái kiến tạo toàn bộ mô hình hoạt động từ hệ thống đánh giá rủi ro, chuẩn mực cấp tín dụng, đến cách thức đào tạo nhân sự và quản trị doanh nghiệp.
Các ngân hàng tiên phong trên thế giới đã bắt đầu áp dụng AI và big data để đo lường chỉ số ESG trong quyết định tín dụng, xây dựng “ESG scoring model” cho từng doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, họ phát triển những sản phẩm tài chính mới như “green mortgage”, “carbon credit trading platform”, hay “sustainable linked loans”, nơi lãi suất được điều chỉnh theo cam kết xanh của doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, những tín hiệu đầu tiên đã xuất hiện khi các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, hay TPBank bắt đầu đưa tín dụng xanh vào chiến lược trung hạn. Tuy nhiên, hành trình từ "hữu danh" đến "hữu thực" vẫn còn dài, đòi hỏi một sự chuyển hóa từ bên trong, chứ không chỉ là vài báo cáo CSR được đánh bóng.
Nếu ngân hàng là mạch máu tài chính, thì bảo hiểm là tấm khiên che chở cộng đồng trước những tổn thất không lường. Trong thời đại mà thiên tai, dịch bệnh và biến động khí hậu trở thành điều thường nhật, ngành bảo hiểm phải đi đầu trong việc thích ứng để bảo vệ. Các mô hình bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm rủi ro thiên tai... đang được tái thiết kế để phục vụ người dân ở những vùng dễ bị tổn thương nhất. Các công ty bảo hiểm cũng trở thành nhà đầu tư lớn vào trái phiếu xanh, quỹ đầu tư ESG và hạ tầng thích ứng với khí hậu, từ đó khép kín một vòng tròn “tài chính - bảo vệ - đầu tư” hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, những tên tuổi lớn như Bảo Việt, AIA, Manulife… đang lần lượt công bố báo cáo phát triển bền vững, cam kết giảm phát thải trong danh mục đầu tư, đồng thời nghiên cứu các gói bảo hiểm liên quan đến ESG. Dẫu mới ở điểm khởi đầu, nhưng ánh sáng từ những bước đi ấy đã soi rọi một lối đi mới cho ngành bảo hiểm, lấy đạo lý và trách nhiệm làm la bàn hành động.
Ngân hàng - bảo hiểm truyền thống vốn là nơi phân bổ rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực. Nhưng trong kỷ nguyên ESG, họ phải trở thành “kiến trúc sư giá trị”, người chủ động định hình tương lai thông qua từng quyết định cấp vốn, từng hợp đồng bảo hiểm được ký kết.
Điều này đòi hỏi một khát vọng vượt lên trên chuẩn mực cũ. Không còn là “tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông”, mà là “tối ưu hóa giá trị tổng hòa cho xã hội”. Không còn là “tối thiểu hóa rủi ro tài chính”, mà là “chủ động quản trị rủi ro hệ thống và môi trường”. Chính sự thay đổi trong tư duy từ người thụ động thích ứng sang người chủ động kiến tạo mới là yếu tố cốt lõi để ngân hàng và bảo hiểm tồn tại và phát triển bền vững trong cơn đại chuyển dịch này.
Cuối cùng, điều cao quý nhất mà ngành ngân hàng và bảo hiểm có thể để lại không chỉ là những bảng cân đối kế toán lành mạnh, mà là một di sản giá trị nơi dòng vốn biết phục vụ con người, sản phẩm tài chính biết lắng nghe thiên nhiên, và lợi nhuận được sinh ra từ sự tử tế.
IV. Xây dựng hệ sinh thái tài chính bền vững – từ chiến lược đến thực thi
Trong thế giới phức hợp và liên kết như ngày nay, không một định chế tài chính đơn lẻ nào có thể tự mình hoàn thành sứ mệnh xanh hoá mà không cần đến sự cộng lực của cả hệ thống. Một chiến lược ESG hiệu quả không chỉ là câu chuyện nội tại của một ngân hàng hay doanh nghiệp bảo hiểm, mà là sự gắn kết giữa các chủ thể – từ cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, công ty định mức tín nhiệm, nhà đầu tư đến cộng đồng dân cư. Xây dựng hệ sinh thái tài chính bền vững chính là kiến tạo một “mạng sống kinh tế” nơi từng dòng vốn, từng sản phẩm, từng chính sách được hòa quyện trong mục tiêu chung: tạo giá trị lâu dài, vì con người và hành tinh. Để đạt các mục tiêu đó, đòi hỏi:
- Trên bình diện quốc gia, chiến lược xây dựng hệ sinh thái tài chính bền vững cần khởi đi từ việc hoàn thiện thể chế, chuẩn hoá tiêu chuẩn, và kiến tạo động lực thị trường:
- Chính phủ đóng vai trò người nhạc trưởng, điều phối các dòng chảy tài chính thông qua các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các bộ chỉ số ESG quốc gia, các quy định công bố thông tin bền vững và hệ thống xếp hạng rủi ro khí hậu.
- Thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng, các quỹ bảo lãnh xanh, và cơ chế carbon pricing, Nhà nước cần tạo “bàn đạp” để dòng vốn xanh lan toả từ trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến tư nhân.
- Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu. Việc nội luật hóa các chuẩn mực như ISSB, TCFD, hay các nguyên tắc của UNPRI sẽ giúp nâng tầm hệ sinh thái tài chính nội địa, gắn kết với dòng vốn xuyên quốc gia.
- Với các tổ chức ngân hàng - bảo hiểm, việc xây dựng hệ sinh thái bền vững không thể chỉ dừng lại ở báo cáo ESG hay quỹ tín dụng xanh đơn lẻ. Cần có sự chuyển mình trong cốt lõi vận hành như:
+ Cấu trúc lại danh mục đầu tư: Ưu tiên các ngành ít phát thải, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Hạn chế tài trợ cho các ngành có rủi ro đạo đức và môi trường cao.
+ Tích hợp ESG vào quản trị rủi ro: Không chỉ đo lường rủi ro tài chính truyền thống, mà cần định lượng rủi ro khí hậu, rủi ro xã hội và rủi ro pháp lý trong kỷ nguyên ESG.
+ Đào tạo và chuyển hóa nguồn lực: Xây dựng đội ngũ chuyên trách ESG, nâng cao năng lực đánh giá và thẩm định các sản phẩm xanh, áp dụng công nghệ trong giám sát và truy vết tác động bền vững.
- Một hệ sinh thái không thể sống nếu các mắt xích rời rạc. Do đó, liên kết và cộng tác là then chốt, đòi hỏi:
+ Hợp tác công – tư (PPP): Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, nơi khu vực tư nhân có vốn và động lực đổi mới, còn Nhà nước có thể hỗ trợ giảm thiểu rủi ro đầu vào.
+ Liên minh tài chính xanh: Các ngân hàng có thể hợp lực cùng bảo hiểm, quỹ đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự để hình thành các liên minh xanh, nơi rủi ro được chia sẻ, lợi ích được tối ưu và trách nhiệm được lan tỏa.
+ Đổi mới sáng tạo có trách nhiệm: Khuyến khích fintech phát triển các nền tảng tài chính số gắn ESG, từ ứng dụng đánh giá chỉ số xanh đến ví tiết kiệm xanh, trái phiếu vi mô, bảo hiểm thời tiết theo thời gian thực.
- Vấn đề cốt lõi là thực thi:
+ Lộ trình rõ ràng: Xây dựng các kế hoạch hành động 3–5 năm, chia nhỏ mục tiêu ESG theo ngành, theo khu vực, và theo cấp độ tổ chức.
+ Cơ chế giám sát - minh bạch - giải trình: Mỗi dự án xanh cần đi kèm chỉ số đánh giá tác động, có sự giám sát độc lập và cơ chế phản hồi xã hội.
+ Truyền thông và giáo dục công chúng: Không thể có hệ sinh thái xanh nếu người dân không hiểu, không tin và không hành động. Vì thế, nâng cao nhận thức cộng đồng chính là một phần tất yếu trong quá trình triển khai.
V. Chiến lược tái định vị đầu tư của ngành ngân hàng - bảo hiểm trong kỷ nguyên ESG
Trước đây, ngân hàng và bảo hiểm thường đóng vai trò "người canh giữ", phòng thủ trước rủi ro, quản trị nợ xấu, phân tán rủi ro thông qua tái bảo hiểm. Nhưng thời cuộc đã thay đổi. Trong làn sóng ESG, vai trò thụ động không còn đủ để tồn tại, chưa nói tới dẫn dắt. Ngành tài chính giờ đây phải tái định vị mình như một "nhà kiến tạo", một người đồng hành chủ động cùng doanh nghiệp, cộng đồng và môi trường.
Việc xây dựng các danh mục đầu tư thích ứng với ESG không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro mà còn là cơ hội để gia tăng giá trị tổng thể. Ngân hàng cần đổi mới phương pháp thẩm định tín dụng, từ dựa vào tài sản thế chấp sang đánh giá mô hình kinh doanh bền vững. Bảo hiểm cần thay đổi từ định phí theo quá khứ sang định phí theo rủi ro tương lai, có tính đến các yếu tố môi trường và xã hội.
Các tổ chức tài chính đang dần chuyển hóa danh mục đầu tư, tái cấu trúc tài sản theo hướng giảm phát thải carbon và nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Một số xu hướng đang trở nên phổ biến là:
- Tăng tỷ trọng trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững trong tổng tài sản đầu tư.
- Loại bỏ cổ phiếu của các doanh nghiệp gây tổn hại tới môi trường hoặc có điểm ESG thấp.
- Ưu tiên cấp tín dụng cho doanh nghiệp có báo cáo ESG đạt chuẩn quốc tế (TCFD, GRI, SASB...).
- Đầu tư vào công nghệ tài chính xanh (Green FinTech), bao gồm nền tảng đo lường phát thải, định giá rủi ro khí hậu và mô hình bảo hiểm số…
Vì vậy, tái thiết danh mục đầu tư là hành động thể hiện niềm tin dài hạn, không chỉ vì lợi ích tài chính mà còn vì niềm tin đạo lý rằng, nguồn vốn có thể trở thành công cụ thay đổi thế giới, từ tận gốc rễ.
Để thành công trong kỷ nguyên ESG, các ngân hàng và công ty bảo hiểm cần thay đổi từ bên trong. Điều này đòi hỏi:
- Xây dựng bộ chỉ số nội bộ để đo lường rủi ro ESG theo từng ngành, từng phân khúc khách hàng.
- Đào tạo nhân lực về kiến thức bền vững, quản trị rủi ro khí hậu và công cụ tài chính xanh.
- Cải tiến hệ thống công nghệ thông tin để tích hợp dữ liệu ESG, phục vụ phân tích và ra quyết định.
- Thiết lập hội đồng chuyên trách ESG tại cấp chiến lược, đảm bảo tính gắn kết giữa mục tiêu lợi nhuận và sứ mệnh phát triển bền vững.
Không thể dùng ESG như một chiêu bài tiếp thị nhất thời. Đó phải là phần lõi trong mô hình kinh doanh, là lời thề trung thành với tương lai.
Trong một thế giới ngày càng liên kết, không một tổ chức tài chính nào có thể đơn độc đi con đường xanh. Ngân hàng cần hợp tác với công ty bảo hiểm để cùng phát triển sản phẩm tài chính tích hợp yếu tố ESG. Các tổ chức tài chính cần kết nối với doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan quản lý để hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.
Hợp tác công - tư, các sáng kiến tài chính xanh đa phương (như Quỹ Khí hậu Xanh – GCF, Sáng kiến Tài chính Bền vững ASEAN – SFA) đang mở ra cơ hội huy động nguồn vốn quốc tế, giảm chi phí rủi ro và lan tỏa chuẩn mực ESG sâu rộng hơn vào thực tiễn.
ESG không chỉ là chiến lược đầu tư, mà còn là chiến lược định vị thương hiệu. Một ngân hàng biết bảo vệ rừng đầu nguồn, một công ty bảo hiểm đồng hành cùng ngư dân vùng lũ, những hành động đó mang lại uy tín mạnh mẽ hơn mọi chiến dịch truyền thông đắt giá. Thương hiệu xanh là niềm tin vững chắc trong lòng công chúng, là lựa chọn bền lâu của thế hệ tiêu dùng mới. Trong thế giới nơi đạo lý lên ngôi, ngân hàng và bảo hiểm không thể chỉ là “cái ví lớn”, mà phải trở thành “người bạn lớn” sát cánh cùng xã hội trên hành trình kiến tạo tương lai.
VI. Kết luận
Trong hành trình tái định hình chiến lược đầu tư tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trước làn sóng ESG và tài chính xanh, chúng ta đang đứng trước bước ngoặt lịch sử. Đây không còn là cuộc cách mạng âm thầm trong hành lang giới chuyên môn, mà là làn sóng cải tổ toàn diện, nơi giá trị đạo lý, chuẩn mực xã hội và trách nhiệm môi trường trở thành những trụ cột không thể thiếu. Nếu thế kỷ XX là kỷ nguyên của "lợi nhuận dẫn đường", thì thế kỷ XXI đang đòi hỏi một bản lĩnh mới, nơi đồng vốn không chỉ sinh lời, mà còn gieo mầm hy vọng, tái sinh môi trường và gìn giữ công bằng xã hội.
Đối với ngành ngân hàng và bảo hiểm, những trái tim điều tiết dòng máu kinh tế, đây là lúc cần một chiến lược chuyển mình dũng cảm và bản lĩnh. Không thể tiếp tục tư duy ngắn hạn, cũng không thể né tránh trách nhiệm xã hội. Mỗi khoản vay, mỗi gói bảo hiểm, mỗi đồng vốn đầu tư phải là một lời cam kết không chỉ với khách hàng và cổ đông, mà với cộng đồng, môi trường và thế hệ mai sau.
Việt Nam, trong vai trò là một nền kinh tế đang phát triển nhưng đầy khát vọng xanh, cần sớm xây dựng bản sắc ESG riêng biệt, mang đậm tinh thần Á Đông, lòng nhân văn, và trí tuệ Việt. Chỉ khi đạo lý hòa quyện cùng chiến lược, lợi nhuận đi đôi với bền vững, chúng ta mới có thể vượt qua những cơn sóng dữ của thời đại và vững vàng chèo lái con thuyền tài chính tiến về phía chân trời xanh của tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Liên Hợp Quốc (2004). Who Cares Wins: Connecting Financial Markets to a Changing World. UN Global Compact.
2. Morgan Stanley Institute for Sustainable Investing (2022). Sustainable Signals: Individual Investor Interest in Sustainable Investing.
3. IFRS Foundation (2023). ISSB Standards for Sustainability-related Financial Disclosure.
4. World Bank (2022). Financing Climate Action: Green Finance for Developing Countries.
5. Temasek Holdings (2023). Sustainability Report: Delivering Long-Term Value Through ESG Stewardship.
6. Nguyễn Thị Thanh Thảo (2023). "Chiến lược đầu tư tài chính dưới góc nhìn ESG". Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, số 6(98), tr. 42–47.
7. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính (2022). Báo cáo về Tài chính xanh và khuyến nghị cho Việt Nam.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023). Đề án phát triển ngân hàng xanh và tín dụng xanh đến năm 2030.
Lê Quang Khánh -
Khoa: Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính
Tạp chí in số tháng 7/2025
email: [email protected], hotline: 086 508 6899