Tại sao Cục Thuế ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Giày Thượng Đình?

07/08/2020, 21:02
báo nói -

TCDN - Cục Thuế TP. Hà Nội vừa quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD).

Giày Thượng Đình bị Cục Thuế cưỡng chế do quá hạn nộp tiền

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 31/7, Cục Thuế TP.Hà Nội quyết định áp dụng cưỡng chế bằng cách ngừng sử dụng hóa đơn để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Chi cục Thuế Quận Thanh Xuân đối với Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (mã GTD).

Trong năm 2020, Thượng Đình dự kiến lỗ đến 13 tỷ đồng vì ảnh hưởng dịch COVID-19. (Ảnh: Internet)

Trong năm 2020, Thượng Đình dự kiến lỗ đến 13 tỷ đồng vì ảnh hưởng dịch COVID-19. (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân cưỡng chế do Giày Thượng Đình có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Quyết định của Cục Thuế Hà Nội có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/7/2020 đến 30/7/2021 hoặc chấm dứt khi GTD nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước.

Trước khi bị cưỡng chế nợ thuế Giày Thượng Đình làm ăn thế nào?

Thành lập năm 1957, Giày Thượng Đình vốn là một thương hiệu nổi tiếng với sản phẩm chủ lực là giày vải và giày thời trang. Những sản phẩm này được công ty xuất khẩu đi các thị trường Đông Âu (cũ), EU từ những năm 1985.

Tuy vậy thời hoàng kim của Giày Thượng Đình chỉ kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 21. Các hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) khiến mặt hàng giày dép của các nước lân cận và những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas… tràn ngập Việt Nam, đẩy Giày Thượng Đình vào khốn khó.

Được biết, giữa năm 2019, Giày Thượng Đình công bố tài liệu cổ đông với kế hoạch kinh doanh chi tiết đưa thương hiệu giày 63 năm tuổi chấm dứt mạch thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Cụ thể, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh số năm liền trước và lãi ròng dự kiến cho cả năm là 50 triệu đồng. Nếu không tính 2 năm trước đó lỗ ròng, đây là mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất mà Giày Thượng Đình từng đặt ra. Thế nhưng, khi đặt mục tiêu lợi nhuận chưa đầy 140.000 đồng mỗi ngày, Giày Thượng Đình vẫn có thêm một năm kinh doanh ảm đạm.

Theo báo cáo tài chính, năm 2019, Giày Thượng Đình ghi nhận 166 tỷ doanh thu, giảm 4% so với năm trước và thực hiện được 95% so với kế hoạch đặt ra. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn báo số âm 13 tỷ đồng. Tính bình quân trong năm 2019, mỗi ngày Giày Thượng Đình thu về hơn 450 triệu đồng tiền bán hàng nhưng lại lỗ hơn 36 triệu/ngày.

Dù đã cải thiện được hiệu quả kinh doanh chính với biên lãi gộp tăng lên mức 11,9% so với 9,3% năm trước, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 28 tỷ đồng đã khiến hãng giày này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

Sau khi hợp nhất với các hoạt động khác, Thượng Đình lỗ trước và sau thuế hơn 13,2 tỷ, đánh dấu năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của hãng giày vang bóng một thời. Thậm chí, theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, lỗ của công ty có thể tăng thêm 12,2 tỷ, liên quan đến hoàn nhập các khoản dự phòng phải thu khó đòi.

Theo báo cáo, 2020 tiếp tục là một năm sản xuất kinh doanh không dễ dàng đối với GTD. Nguyên nhân do lượng khách hàng xuất khẩu, đơn hàng xuất khẩu gặp khó do thông tin phải di dời nhà máy ảnh hưởng rất nhiều đến việc hợp tác kinh doanh.

Trong năm 2020, Thượng Đình dự kiến lỗ đến 13 tỷ đồng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh. Một số đơn hàng đã ký, đã sản xuất nhưng vẫn chưa được xuất hàng. Các mẫu giày cần sản xuất để chào hàng cũng bị gián đoạn nên khả năng nhận đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Lượng hàng tiêu thụ trong nước cũng sụt giảm đáng kể do giãn cách xã hội, nhu cầu người dân đi xuống.

GTD cho biết một số đơn hàng đã ký, đã sản xuất nhưng vẫn chưa được xuất hàng. Các mẫu giày cần sản xuất để chào hàng cũng bị gián đoạn nên khả năng nhận đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Lượng hàng tiêu thụ trong nước cũng sụt giảm đáng kể do giãn cách xã hội, nhu cầu người dân đi xuống.

Trên thị trường, cổ phiếu GTĐ đang đứng mức 27.000 đồng/cổ phiếu song thanh khoản èo uột, gần như không có giao dịch. Quy mô vốn hoá hiện chỉ đạt trên 250 tỷ đồng.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Tại sao Cục Thuế ngừng sử dụng hóa đơn đối với CTCP Giày Thượng Đình? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập đoàn FLC lại bị cưỡng chế thuế
Hồi giữa tháng 6, FLC cũng đã thông báo nhận được 4 quyết định cưỡng chế thi thành thuế của các Chi cục Thuế địa phương nơi mà tập đoàn này có dự án