Tăng cường "hậu kiểm", xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng hàng hóa
TCDN - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa lần này chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng với khoảng 90-95% hàng hóa, sản phẩm.
Sáng 17/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tăng cường "hậu kiểm"
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với kiểm tra, giám sát, quy định rõ lĩnh vực nào phải “tiền kiểm” và lĩnh vực nào phải “hậu kiểm”. Nguyên tắc quản lý trong dự thảo Luật vẫn thiên về biện pháp quản lý “tiền kiểm”. Đại biểu cho rằng thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
“Vụ việc 600 sản phẩm sữa giả vừa qua, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, còn cơ quan quản lý nhà nước thì không kiểm tra, giám sát đầy đủ”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nói.
Về phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nhận định đây là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu “hậu kiểm” là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật lại quá tập trung ở khâu “tiền kiểm” bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp “hậu kiểm”. “Công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước nhằm bảo đảm chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành”, đại biểu nói.
Siết hậu kiểm và mạnh tay xử phạt gian lận chất lượng hàng hóa
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật lần này chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng với khoảng 90-95% hàng hóa, sản phẩm. Doanh nghiệp được tự công bố hợp quy, tiêu chuẩn áp dụng tùy theo mức rủi ro; sản phẩm rủi ro thấp sẽ chịu hậu kiểm với tần suất thấp nếu doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "hậu kiểm" không đồng nghĩa buông lỏng quản lý mà đi kèm trách nhiệm lớn hơn của doanh nghiệp. Khi phát hiện gian dối, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng hơn, có thể thu hồi giấy phép, công khai sai phạm trên nền tảng số, thậm chí bị tước quyền tự công bố. Chế tài xử phạt sẽ không chỉ dừng ở mức hành chính mà có thể xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến đại biểu tại Quốc hội.
Dự luật cũng bổ sung quyền khởi kiện tập thể đối với sản phẩm kém chất lượng lưu hành rộng rãi, tăng sức ép pháp lý lên hành vi vi phạm, với thời hiệu khởi kiện và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, nhập khẩu, người bán. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải có trách nhiệm chuyển thông tin vi phạm cho cơ quan quản lý để kịp thời kiểm tra, cảnh báo rủi ro.
"Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chiến lược quản lý mới, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899