Tập đoàn Đạt Phương muốn làm dự án 1.175 tỷ đồng tại Nam Định

26/07/2023, 15:17
báo nói -

TCDN - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ làm 1.175 tỷ đồng tại Nam Định trong khi hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp này kém hiệu quả, kinh doanh đi xuống, nợ phải trả tăng cao. Tập đoàn Đạt Phương cũng liên tục vi phạm thuế, dự án trọng điểm bị thu hồi.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định vừa mở thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình của Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (giá gói thầu 1.175,158 tỷ đồng).

Theo đó, nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định đang đánh giá hồ sơ dự thầu.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư tài chính của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương kém hiệu quả, kinh doanh đi xuống, nợ phải trả chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

8b59ae4f1f20de021db42be8b860bd45

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương được biết đến là doanh nghiệp có tiếng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước.

Đơn vị được thành lập ngày 12/3/2002, trụ sở tại Toà nhà Handico, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), do ông Trần Anh Tuấn làm người đại diện pháp luật. Năm 2018, Đạt Phương niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán DPG.

Nợ ở mức 3.686 tỷ đồng

Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1/2023, doanh thu thuần của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương đạt 390 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 42,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp lùi về 38,5%.

Trong quý này, chi phí bán hàng của Đạt Phương giảm mạnh từ 34,2 tỷ đồng trong quý 1/2022 xuống còn 3,1 tỷ đồng trong quý 1/2023 do chi phí dịch vụ mua ngoài giảm. Điều đó khiến cho Đạt Phương lãi thuần đạt 86,4 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận khác của Đạt Phương cũng âm hơn 459 triệu đồng. 

Lợi nhuận trước thuế của Đạt Phương đạt 86 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 82,9 tỷ đồng, giảm 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn doanh thu của Đạt Phương đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng chiếm 51,5%), phù hợp với việc doanh nghiệp trúng hàng loạt các gói thầu nghìn tỷ về lĩnh vực xây lắp. Tiếp sau đó là doanh thu bán điện (chiếm 42,8%). Tuy nhiên, điện lại là mảng mang lại lợi nhuận gộp chủ yếu cho Đạt Phương. Qúy 1/2023, lợi nhuận gộp mảng điện của Đạt Phương là 129,3 tỷ đồng, trong khi mảng xây dựng là 20,9 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 5.957 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm.

Cùng đó, tổng nợ phải trả của Đạt Phương ở mức 3.686 tỷ đồng, giảm 6,2% so với đầu năm và chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 2.587 tỷ đồng, có 962 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 1.625 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 2.270 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của Đạt Phương ở mức 3.686 tỷ đồng, chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn của công ty.

Tổng nợ phải trả của Đạt Phương ở mức 3.686 tỷ đồng, chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn của công ty.

"Ẵm" loạt gói thầu nghìn tỷ sát giá

Những năm gần đây, Đạt Phương liên tiếp trúng hàng chục gói thầu với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều gói chỉ tiết kiệm sát mức 0% so với giá dự toán. Tính chung cả năm 2022, doanh nghiệp này đã trúng 5 gói thầu tổng trị giá 4.526 tỷ đồng. Cụ thể:

Mới đây, ngày 9/2/2023, Đạt Phương trong Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C (Tên viết tắt là: Liên danh Trung Nam E&C - Trung Chính - Đạt Phương - Trung Nam 18) đã trúng gói Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2 của chủ đầu tư và bên mời thầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Giá gói thầu là hơn 1.270,3 tỷ đồng. Giá dự thầu là 1.268,7 tỷ đồng. Và giá trúng thầu cũng là 1.268,7 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng thầu rất sát với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm là không đáng kể.

Trước đó không lâu, vào ngày 23/12/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt cho Tập đoàn Đạt Phương trúng Gói thầu XL1: Xây dựng cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu (gồm: Cầu, đường 2 đầu cầu, đường dẫn và chi phí dự phòng + chi phí bảo đảm an toàn giao thông).

Giá gói thầu 1.116,5 tỷ đồng, giá dự toán 1.148 tỷ đồng. Giá dự thầu 1.145,7 và giá trúng thầu là 1.145,7 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ tiết kiệm tại gói thầu này là rất thấp. 

Ngày 18/3/2022, ông Nguyễn Đăng Trường - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm: Bảo hiểm xây lắp; Đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An.

Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu nêu trên với vai trò liên danh phụ của Liên danh Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình. Giá dự toán gói thầu này là 2.088,5 tỷ đồng, giá trúng thầu được công bố cũng xấp xỉ 2.088,5 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 45 triệu (tương đương tỷ lệ 0,003%) ngân sách nhà nước.

Phối cảnh cầu Nhật Lệ 3.

Phối cảnh cầu Nhật Lệ 3.

Liên tục vi phạm thuế, dự án trọng điểm bị thu hồi

Cuối tháng 1/2022, Cục Thuế TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương số tiền 14,5 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu vào ngân sách Nhà nước là 72,8 triệu đồng và khoản tiền chập nộp 6,5 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Đạt Phương bị xử lý vi phạm về thuế.

Trước đó, cuối tháng 12/2020, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã ra quyết định xử phạt công ty này do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu) hơn 139 triệu đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân năm 2019 lần lượt gần 625 triệu đồng và hơn 71 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn phải trả tiền chậm nộp thuế hơn 57 triệu đồng.

Tiếp đến, cuối tháng 9/2019, Tập đoàn Đạt Phương cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu hơn 90 triệu đồng cũng với hành vi khai sai thuế.

Về dự án, cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) do Tập đoàn Đạt Phương làm chủ đầu tư.

Được biết, khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Đạt Phương có quy mô 183,87ha. Trong đó, đất dự án khoảng 179,3ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh Niên ven biển khoảng 4,57ha.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Đạt Phương muốn làm dự án 1.175 tỷ đồng tại Nam Định tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

ACB báo cáo tỷ lệ nợ xấu không chính xác
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo cáo số liệu không chính xác nhưng NHNN không kiểm tra và có ý kiến. Ngoài ra, ACB xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NHNN và đề án, không thực hiện tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.