Tham vấn dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan
TCDN - Đây là chủ đề Hội thảo do Tổng cục Hải quan và Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp tổ chức ngày 29/7.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đến nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Theo đó, Cơ quan Hải quan đã triển khai Chương trình quản lý giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không; thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác quản lý rủi ro, ngành hải quan còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là cần thiết, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất các quy định về quản lý rủi ro, phù hợp yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư bao gồm: Thu thập, xử lý, quản lý thông tin quản lý rủi ro; Đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro trong đó phân loại mức độ tuân thủ thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro thành 9 hạng.
Việc phân loại mức độ tuân thủ người khai hải quan thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan thành 9 hạng nhằm phân loại đánh giá người khai hải quan được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả.
Bên cạnh việc công khai tiêu chí đánh giá, cơ quan Hải quan công khai kết quả cho cộng động doanh nghiệp, từ đó trở thành kênh tương tác với cơ quan Hải quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, phục vụ cho cơ quan hải quan đánh giá chính xác.
Qua cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hướng đến doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật. Cơ quan Hải quan xây dựng chương trình tuân thủ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan đối với việc tự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (như cung cấp thông tin, tư vấn, giải quyết vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan…).
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thời gian qua, số lượng, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đã giảm đáng kể qua các năm. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 9,68%, đến nay tỷ lệ này giảm còn 5,07%.
Tại Hội thảo, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi cho rằng, việc ban hành thông tư sẽ nâng cao mức độ minh bạch, quản lý giao dịch, doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi, nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp như minh bạch hóa tiêu chí đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp, qua đó, thực hiện hiệu quả các Hiệp định tự do thương mại. Qua công tác tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Hải quan tiếp thu đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả dự thảo Thông tư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899