Thanh Hoá: Hỗ trợ dịch Covid-19, “sai sót” trong việc bình bầu hộ nghèo

22/05/2020, 06:41
báo nói -

TCDN - Thời gian qua, việc hàng nghìn hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa viết đơn tự nguyện từ chối nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 đã gây xôn xao dư luận. Vậy, thực hư của sự việc này như thế nào?

Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 tại thị trấn Nga Sơn.

Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 tại thị trấn Nga Sơn.

“Vận động” không nhận tiền hỗ trợ

Thanh Hoá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại một số địa phương đã gặp một số vẫn đề, đó là hộ cận nghèo có nhà lầu, xe hơi, con em cán bộ lãnh đạo, gia đình cán bộ “lạc” vào hộ nghèo, cận nghèo dẫn đến việc “tự nguyện” từ chối tiền hỗ trợ.

Huyện Tĩnh Gia là một trong những địa phương có sai sót trong triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Tại đây, xảy ra trường hợp ông Lê Công Ngân - Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh đã vận động 21 trường hợp thuộc diện hộ cận nghèo viết đơn “tự nguyện” không nhận hỗ trợ. Sau khi vụ việc được báo chí nêu, vị trưởng thôn này đã nhận ra sai phạm nên đã hủy hết các mẫu đơn tự nguyện in sẵn và viết tự kiểm điểm gửi lên lãnh đạo xã.

Tương tự, ở thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn), một số hộ cận nghèo tại địa phương này phản ánh việc cán bộ thôn, xã có vận động họ không tham gia nhận tiền hỗ trợ nếu không sẽ cắt khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, thôn Trung Bắc, thị trấn Nga Sơn nói: “Ban đầu, cán bộ có vận động nhà tôi tự nguyện không nhận số tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu vẫn cố tình nhận thì trong đợt xét hộ cận nghèo lần sau nhà tôi sẽ bị đưa ra khỏi hộ cận nghèo. Nhưng tôi không đồng ý, vì một đồng của Nhà nước cho, tôi cũng quý và nhận. Gia đình tôi có 8 khẩu nhưng không hiểu sao chỉ được nhận tiền của 5 khẩu, còn cán bộ giải thích 3 khẩu trẻ con là không được nhận.”

Ông Nguyễn Văn Gấm, Trưởng tiểu khu Trung Bắc cho biết: “Tiểu khu này có 37 hộ cận nghèo nhưng rất nhiều hộ có kinh tế ổn định. Chúng tôi vận động các hộ trên tinh thần nếu thấy điều kiện chưa thực sự khó khăn thì đừng nhận, hỗ trợ lại cho nhà nước. Thôn có 15 hộ nhất trí không nhận, ban đầu chúng tôi làm đơn sẵn cho các hộ ký vào, giờ thì yêu cầu các hộ viết tay. Nhưng đến nay chỉ có 10 hộ viết, còn 5 hộ lại đòi nhận tiền, trong đó có 2 hộ xin nhận hỗ trợ cho 2 cháu nhỏ, còn người lớn không nhận.”

Theo ông Lưu Văn Phúc, Trưởng tiểu khu Thắng Thịnh (Thị Trấn Nga Sơn): “Đây là chỉ đạo của cấp trên, thôn chỉ triển khai vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ. Tôi nghĩ những nhà cận nghèo mà có nhà lầu, xe hơi thì đừng nhận tiền mà mang tiếng.”

Theo tìm hiểu của PV, đa số các hộ được vận động không nhận tiền đều thuộc diện hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng tiểu khu Thắng Thịnh, thị Trấn Nga Sơn cho rằng: Đây là do hệ lụy của việc bình bầu hộ cận nghèo không đúng với thực tế. Tại thôn tôi có 35 hộ cận nghèo nhưng chỉ có khoảng 13 hộ là đúng cận nghèo, khó khăn. Còn hơn 20 hộ đều là các hộ có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí nhiều hộ có nhà 2 tầng, có ôtô con.

Những đối tượng này họ xin vào cận nghèo nhằm vay vốn, hoặc cho con đi học để hưởng chính sách của Nhà nước. Nay tự dưng Covid-19, được nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi cũng vận động họ đừng lấy tiền mà mang tiếng, trả lại cho Nhà nước dành cho người khó khăn hơn. Nhưng các hộ họ không đồng ý, họ bảo Nhà nước cho thì họ nhận nên chúng tôi cũng tiến hành chi trả cả.”

Anh Lê Văn Khánh, xóm 2, thôn Hạnh Phúc, người ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ sau khi trưởng thôn đến vận động cho biết: Gia đình tôi làm nghề thu mua hải sản, điều kiện kinh tế khá. Vợ chồng cũng mới xây ngôi nhà tiền tỷ. Hai năm nay nhà tôi được thôn, xã bình xét hộ cận nghèo, ngoài việc con cái được miễn giảm học hành thì vợ chồng tôi được vay các chế độ ưu đãi khoảng 300 triệu đồng, góp vào để xây dựng ngôi nhà này.”

Ngày 15/5/2020, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1687/CV-TU về việc “lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng chống dịch Covid -19”. Nội dung Công văn nêu: “Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc… tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau…”

Theo đó, mục 2 của Công văn nêu: “Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn quản lý, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định... chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tự nguyện không nhận hỗ trợ. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong triển khai chính sách hỗ trợ... địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra vi phạm... thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm...”

“Sai sót” trong bình bầu hộ nghèo, cận nghèo

Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, qua rà soát phát hiện vợ, con, người nhà của Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Nông dân “bị lạc” vào hộ cận nghèo.

Liên quan đến vấn đề chi trả hỗ trợ, qua rà soát của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, có tới 1.500 đối tượng trùng với nhóm nhận hỗ trợ (một người có thể hưởng 2 hoặc 3 chế độ. Theo quy định, nếu một người thuộc nhiều nhóm đối tượng thì chỉ được nhận một gói hỗ trợ cao nhất).

Cũng tại huyện Thiệu Thành, qua triển khai gói hỗ trợ dịch Covid-19, còn “lòi” ra một cách làm rất “sáng tạo” của lãnh đạo xã, đó là việc 18 hộ nghèo được sáp nhập vào các hộ nghèo khác, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho đạt tiêu chí nông thôn mới.

Về vấn đề hộ cận nghèo không đúng tiêu chuẩn. Qua kiểm tra, rà soát, tình trạng nhiều hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí không ít hộ có nhà lầu, xe hơi, cửa hàng kinh doanh lớn diễn ra ở nhiều địa phương như: Xã Yên Thọ (Yên Đinh), xã Quảng Nham (Quảng Xương) thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), xã Hải Ninh (Tĩnh Gia)… Theo lý giải của lãnh đạo các địa phương, sở dĩ có tình trạng này là do sự thiếu sâu sát, thậm chí nể nang của cán bộ.

Thêm nữa, việc bình xét là do các thôn tự làm, người dân thường bàn bạc với nhau, nhà này “nhường” nhà kia suất cận nghèo để con cái đi học được miễn giảm đóng góp, vay vốn ngân hàng chính sách… Ngoài ra, theo “tâm sự” của một cán bộ làm công tác chính sách, nhiều nơi lãnh đạo xã còn “mặc cả” với các chủ hộ muốn và nếu “được” vào diện nghèo, cận nghèo thì chỉ được ưu tiên vay vốn, ngoài ra không được nhận chế độ gì.

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019

Ngày 19/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6250/UBND-VX về việc kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung, quyết liệt trong chỉ đại công tác kiểm tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, công khai minh bạch công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp có hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh cần được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước.

Đặc biệt, văn bản yêu cầu không để xảy ra tình trạng đối tượng không đúng tiêu chuẩn vào danh sách nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước, đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.

Hà Vân
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hoá: Hỗ trợ dịch Covid-19, “sai sót” trong việc bình bầu hộ nghèo tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan