Thị trường mua bán nợ: Cần nghị định hướng dẫn định giá nợ và tài sản đảm bảo
TCDN - Đây là đề xuất của ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV tại hội thảo Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến năm 2035, các điều kiện thực hiện sáng 15/11.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, tại Việt Nam, thị trường mua bán nợ đã có, nhưng chủ yếu là mua bán giữa các TCTD với nhau, với DATC, với VAMC và với các AMC của ngân hàng.
Hiện có một số văn bản pháp luật như Nghị quyết 42/2017/QH14, Nghị định 69/2016/NĐ-CP liên quan đến thị trường mua bán nợ, song còn chưa đầy đủ. Chẳng hạn, theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP đối tượng giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trong khi, các chủ thể khác tiếp tục được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra, Nghị định này cũng chưa đề cập đến điều kiện để được tham gia mua nợ xấu từ VAMC hoặc các công ty AMC của các TCTD.
Để hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ đến năm 2030, cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ, lâu dài là Luật, trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng.
Đặc biệt, nghị định này cần hướng dẫn cụ thể để giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về định giá nợ và tài sản đảm bảo, quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, việc tranh chấp theo thủ tục rút gọn, vướng mắc trong thủ tục sang tên cho người mua tài sản đảm bảo, trong chuyển nhượng dự án bất động sản… Đồng thời, cần nghiên cứu luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 để chuyển tiếp khi nghị quyết hết hiệu lực.
Nghị định cũng cần quy định rõ vai trò của cơ quan quản lý, giám sát thị trường mua bán nợ; phân tách nợ tốt, nợ xấu để có cơ chế mua – bán riêng biệt.
Bổ sung thêm những vướng mắc của thị trường mua bán nợ hiện nay, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Việt Nam hiện nay cũng không có doanh nghiệp làm xếp hạng tín nhiệm và hầu hết phải đi thuê nước ngoài.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899