Giải quyết nợ xấu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam
TCDN - Giải quyết nợ xấu trong hoạt động kinh doanh của NHTM tiếp tục là vấn đề thời sự trong quản trị ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, với nhiều con số được công bố bởi nhiều cơ quan khác nhau. Bài viết đưa ra một số phân tích về kết quả kiểm soát nợ xấu của các NHTM đến hết năm 2018.
Tổng quan diễn biến kết quả giải quyết nợ xấu
Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), đến hết năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống định chế tài chính (ĐCTC) khoảng 2,4%, giảm so với con số hết năm năm 2017 còn ở mức khoảng 2,5%; trong đó: (i) Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD là 2,4%; (ii) Tỷ lệ nợ quá hạn của Công ty chứng khoán (CTCK) và Công ty quản lý quỹ (CTQLQ) là 4,7%; (iii)Tỷ lệ các khoản phải thu khó đòi của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là 6,4%; Tổng lợi nhuận sau thuế của các ĐCTC ước tăng 33% so với năm 2017. Trong đó: (i) Lợi nhuận của các TCTD ước tăng 40%; (ii) Lợi nhuận các CTCK và CTQLQ tăng 18,1% Số liệu công bố của NFSC tổng hợp theo báo cáo từ các TCTD, đến hết năm 2018 tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%). Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC - Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống TCTD Việt Nam đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC vẫn ở mức 6,5%. Như vậy, nợ xấu nội bảng đã về mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm dưới ngưỡng 2%, ngưỡng mục tiêu phấn đấu năm 2019 theo Nghị quyết 01 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm.
Còn theo Báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2018 của các NHTM Việt Nam được công bố, nợ xấu đa số đã giảm đáng kể so với đầu năm. Chuyển biến này cũng gây không ít bất ngờ bởi trước đó nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm ở phần lớn các NHTM.
Chỉ trong 3 tháng, con số tại nhiều NHTM đã giảm đột ngột, có NHTM đã giảm tới hơn 50%. Kết quả đó, hầu hết không phải là các NHTM thu được nợ từ khách hàng, từ phát mại tài sản xiết nợ của khách hàng, từ bán nợ trên thị trường tài chính, phần lớn là các NHTM căn cứ vào kết quả kinh doanh, đã mạnh dạn trích lập dự phòng rủi ro, đưa nhiều khoản nợ xấu ra ngoại bảng. Thực tế này được phản ánh từ số liệu công bố của NFSC, đó là đến hết năm 2018 (số liệu tổng hợp của NFSC từ báo cáo của các TCTD đến hết tháng 11/2018), dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Ước tính của tác giả đến hết năm 2018, con số này tăng khoảng 34% so với năm 2018. Để có con số cụ thể sát thực tiễn hơn, phải tổng hợp, phân tích từ BCTC của chính các TCTD công bố hết năm 2018.
Thực trạng sử dụng các biện pháp giải quyết nợ xấu
Cũng với mục tiêu quyết liệt xử lý nợ xấu dựa trên tiềm lực tài chính, dựa trên kết quả kinh doanh, nên một số NHTM đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC. Theo đó, NHTM trích lập dự phòng rủi ro 100% giá trị khoản nợ xấu đó, thay vì trích lập 20%/năm cho 5 năm của khoản nơ xấu bán cho VAMC. Tuy nhiên, thực tế có thế khoản nợ xấu đó đã bán được 2 - 3 năm rồi, tức là đã trích được 40% - 60% giá trị khoản nợ xấu, nay mua lại, chi phải trích 40 - 60% giả trị khoản nợ xấu còn lại, đồng thời trả lại trái phiếu đặc biệt của khoản nợ xấu đó, tức là thanh khoản của NHTM đó đã khá tốt, hay khi cần không cần sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của NHNN. Bên cạnh đó, khoản nợ xấu nhận về từ VAMC, NHTM có thể xử lý được theo nguyên tắc thị trường, có thể bán được khoản nợ đó cho công ty khác, có thể tự bán được tài sản, hay tự khai thác tài sản,…Theo cách đó, đến hết năm 2018, có một số NHTM đã xóa sạch các khoản nợ xấu tại VAMC trong 2 năm qua, đó là Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Vietinbank.
Bên cạnh việc các NHTM đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; hoạt động của Công ty VAMC cũng đã xử lý được một số khoản nợ xấu. Tính riêng trong năm 2018, VAMC đã triển khai hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 29.812 tỷ đồng giá mua nợ. Kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thực hiện các biện pháp đặc biệt, thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 1/2 tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành và hiệu lực từ 15/8/2017, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các TCTD; đó là khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD và công ty mua bán tài sản của các TCTD (VAMC); cho phép mua bán nợ xấu và TSBĐ theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu đối với VAMC; qui định về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp TSBĐ là quyền sử dụng đất, bất động sản, bị kê biên; qui định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB; qui định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSBĐ; và phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC…
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, toàn hệ thống đã xử lý được 138.290 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 17,5% của cả 6 năm qua); trong đó các TCTD đã xử lý được 58.800 tỷ đồng.
Các NHTM đã phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn để xử lý nợ xấu. Nghiên cứu số liệu của 26 NHTM Việt Nam đã công bố Báo cáo tài chính quý 4/2018 cho thấy, các ngân hàng này đã trích gần 62.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, chiếm đến hơn 40% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của những NHTM này. Trong đó, 15/26 NHTM tăng chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2018. Một số NHTM, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ chiếm đến một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, như BIDV, VietinBank, VPBank, PGBank, Saigonbank,... BIDV có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm 2018, đạt tới hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ). Tuy nhiên, BIDV phải trích cho chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống NHTM Việt Nam, lên tới hơn 18.800 tỷ đồng, tức "ngốn" đến 2/3 lợi nhuận. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ còn hơn 9.400 tỷ đông, thua xa Vietcombank (18.300 tỷ) khi Vietcombank chỉ phải trích hơn 7.300 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro. Khối nợ xấu của BIDV cũng lớn nhất hệ thống, đến cuối năm 2018, nợ xấu nội bảng là 16.697 tỷ đồng, tăng 18,7% so với đầu năm.
VPBank cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro 40,6% so với năm 2017 lên mức 11.252 tỷ đồng, chiếm 55% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Đến hết năm 2018 VPBank có hơn 7.700 tỷ đồng nợ xấu, chiếm đến 3,51% dư nợ cho vay khách hàng. OCB tăng chi phí dự phòng gấp 3,7 lần lên hơn 900 tỷ đồng, chiếm 30% lợi nhuận thuần. Bên cạnh đẩy mạnh rao bán nợ xấu, Sacombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro năm 2018 lên gần 1.600 tỷ, tăng 95% so với năm 2017.
Đặc biệt, Agribank, đến hết năm 2018 nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại đạt gần 20.000 tỷ đồng, nên có đủ tiềm lực tài chính giúp Agribank đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019. Như vậy, sau Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Vietinbank, Agribank có thể sẽ là ngân hàng tiếp theo sạch nợ tại VAMC. Đáng nói, trước đó Agribank từng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cũng như lượng nợ xấu bán lại cho VAMC lớn nhất hệ thống.
Đánh giá thực trạng giải quyết nợ xấu
Hiện nay, cách thức quản lý, theo dõi, đánh giá nợ xấu của các NHTM Việt Nam có bước tiến rõ nét làm động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu theo hướng chủ động và thực chất hơn. Tại Đề án 1058 về "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020", mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu gộp, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn, về mức 3% đến năm 2020 đã được đưa ra thay cho chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu thường thấy trước đây.
Việc đưa ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấu gộp đã giúp cho công tác quản lý nợ xấu tại các cơ quan quản lý cũng như TCTD đi vào thực chất hơn, tạo động lực và cả áp lực đối với hệ thống các TCTD tích cực, chủ động hơn trong xử lý nợ xấu. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD đã giảm xuống mức 1,89% (so với mức 1,99% cuối năm 2017 và 2,46% cuối năm 2016) và tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 6,67% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.
ết 42 tương đối rõ nét. Theo số liệu từ NHNN, tính từ giữa năm 2012 đến hết tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu, riêng sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, toàn hệ thống đã xử lý được 138.290 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 17,5% của cả 6 năm qua); trong đó các TCTD đã xử lý được 58.800 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ nợ xấu gộp của các TCTD Việt Nam đến hết năm 2018 là 6,67% vẫn còn ở mức khá cao và mục tiêu đến năm 2020 đưa về tỷ lệ 3% là khá khó khăn.
Kết luận và khuyến nghị
Theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ, mục tiêu cụ thể về xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD Việt Nam đến cuối năm 2019 là tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2% và nợ xấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%... Tuy nhiên theo số liệu của NHNN, đến hết năm 2018 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,89%. Song đâu là con số đúng về nợ xấu thì rõ ràng chưa có nguồn tài liệu nào được công bố có sức thuyết phục. Mặc dù đã có nhiều tín hiệu khả quan trong hoạt động kiểm soát xử lý nợ xấu, nhưng tại nhiều NHTM tỷ lệ nợ xấu vẫn cao trên 3% và còn nhiều khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu hiện còn khá cao. Tính đến cuối năm 2018, tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC vẫn ở mức 6,67%. Nợ xấu đến hết năm 2018 được NHNN công bố nói trên thực chất chỉ thay đổi trong sổ sách, còn nợ xấu vẫn chỉ chuyển biến, thay đổi trong theo dõi về hạch toán, nợ xấu về cơ bản vẫn hiện hữu. Nhiều NHTM CP khác chưa công bố thông tin nhưng chắc chắn có một số NHTM có tỷ lệ nợ xấu tăng hơn so với trước. Tổng nợ xấu trong năm 2018 của BaovietBank tăng từ 822 tỷ đồng lên 1.024 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3,98% so với 3,78% hồi đầu năm, đây là vấn đề đáng lo ngại.
Những vướng mắc nêu trên chỉ những vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình giải nợ xấu của các TCTD nói chung và triển khai Nghị quyết 42 nói riêng. Theo đó, để quá trình giải quyết nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Đồng thời, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ vào thời điểm cuối năm 2019. Hy vọng, Nghị quyết 42 sẽ thực sự đi vào cuộc sống và tạo tiền đề hình thành hành lang pháp lý xử lý nợ xấu lâu dài tại Việt Nam.
NHNN cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, đảm bảo minh bạch và phản ánh thực chất nợ xấu của các TCTD nâng cao đạo đức của cán bộ thanh tra, đảm bảo tính khách quan và kiến nghị xử lý kịp thời tại các kết luận thanh tra; tăng cường các biện pháp giám sát từ xa và giám sát đảm bảo các tỷ lệ an toàn khác của NHTM.
Nợ xấu đến hết năm 2018 được NHNN công bố thực chất chỉ thay đổi trong sổ sách, còn nợ xấu vẫn chỉ chuyển biến, thay đổi trong theo dõi về hạch toán, nợ xấu về cơ bản vẫn hiện hữu.
NHNN phối hợp cùng với các bộ ngành có liên quan trình Chính phủ các biện pháp xử lý vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện môi trường pháp lý về xử lý nợ xấu.
Hơn ai hết chính các TCTD nói chung, các NHTM nói riêng phải tự mình kiểm soát nợ xấu, bao gồm hạn chế tới mức thấp nhất các khoản nợ xấu mới phát sinh, chủ động, linh hoạt xử lý đa dạng các khoản nợ xấu cũ. Cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng, nâng cao vai trò của Hội đồng tín dụng, Ban quản lý rủi ro tín dụng. Cần bố trí cán bộ kiểm soát nội bộ có thâm niên tín dụng, có đạo đức tốt, tăng cường kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất trong hoạt động tín dụng.
Các TCTD cần đảm bảo đúng lộ trình thực hiện các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN, đảm bảo các tiêu chí của Basel II và các thông lệ quốc tế khác về quản lý rủi ro tín dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tài chính hết quý 3/2018 của nhiều NHTM đã công bố, tháng 10/2018
2. Báo cáo tài chính hết quý 4/2018 của nhiều NHTM đã công bố, tháng 1/2019
3. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 - Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tháng 12/2018
4. Thông tin Hoạt động ngân hàng năm 2018 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tháng 1/2019
5. Báo cáo hoạt động năm 2018 của Công ty mua bán tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), tháng 1/2019
6. www.cafef.vn
TS. Trần Thế Sao
Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
email: [email protected], hotline: 086 508 6899