Thúc đẩy thương mại điện tử đối với nông sản tại Hải Phòng

24/11/2024, 06:31
báo nói -

TCDN - Bài viết tập trung phân tích việc phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản tại Hải Phòng, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.

5-1

TÓM TẮT:

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành hình thức phân phối hiện đại và hiệu quả đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó lĩnh vực nông nghiệp. TMĐT mang lại những tiềm năng vô cùng lớn đã và đang giúp cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mặt hàng nông sản mở rộng không giới hạn khả năng tiếp cận khách hàng, giới thiệu và đưa sản phẩm tới tận tay khách hàng, tăng khả năng trải nghiệm của khách hàng và từ đó tăng năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khốc liệt hiện nay.

Bài viết tập trung phân tích việc phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản tại Hải Phòng, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.

1. Thương mại điện tử đối với sản phẩm nông sản

Thương mại điện tử hiểu đơn giản là việc các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện điện tử và mạng internet để mua bán hàng hóa và dịch vụ, các giao dịch có thể giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cá nhân hoặc giữa cá nhân với cá nhân, hay còn được biết đến là kinh doanh và mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2021, ước tính có 54,6 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Đến năm 2022, con số này được dự đoán tăng lên đến 60 triệu người. Tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mới năm 2020 tiếp tục mua sắm trên TMĐT năm 2021 đạt 98% với loại sản phẩm thực phẩm. Nguyên nhân được người tiêu dùng đưa ra là do việc mua trực tuyến đã trở thành thói quen (46%), trong khi nhiều người nhận thấy rằng mua trực tuyến thực phẩm giúp cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn (67%). Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản tiếp tục phát triển trong TMĐT.

Giữa năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Khi tham gia vào TMĐT, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng số lượng và đối tượng khách hàng tiêu dùng (cả người tiêu dùng trực tiếp và các hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX, doanh nghiệp); việc mua bán, điều tiết hàng hóa từ nơi thừa sang chỗ thiếu diễn ra linh hoạt và nhanh chóng giúp cho việc tiêu thụ được nhanh gọn, hiệu quả bằng nhiều hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng trực tiếp giữa các bên hay thông qua một tổ chức chuyên nghiệp…

Tại chương trình The Wise Talk với chủ đề: “Công nghệ - Chìa khóa giúp tăng giá trị nông sản trong thời đại số”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập Nền tảng thương mại điện tử nông sản Foodmap, cho biết nhìn từ góc độ của người tiêu dùng, quyết định mua hàng thường phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên là tiện lợi - nếu việc mua hàng được xem là thuận tiện, dễ dàng, thì khả năng mua hàng sẽ cao hơn.

 Yếu tố thứ hai là giá cả - khi có sự khác biệt về giá giữa các nơi bán hàng, người tiêu dùng sẽ chọn mua ở nơi có giá thấp hơn. Cuối cùng là thương hiệu của sản phẩm - khi họ tin tưởng vào một thương hiệu cụ thể, họ có thể ưu tiên mua sản phẩm từ thương hiệu đó, ngay cả khi giá cao hơn so với các thương hiệu khác.

Thương mại điện tử đáp ứng được nhiều yếu tố như tiện lợi, sự đa dạng và giá cả. Điều này khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. Đối với những nhà sản xuất và người bán hàng, thương mại điện tử là một kênh bán hàng mới giúp tăng doanh số bán hàng.

Đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một kênh tiết kiệm chi phí khi muốn tiếp cận đối tượng khách hàng trên toàn quốc. Thương mại điện tử cung cấp khả năng tiếp cận rộng lớn hơn đến khách hàng, khác biệt so với các kênh phân phối truyền thống. Điều này khiến thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học & Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng sự ra đời của thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, đối với những người am hiểu sử dụng công nghệ. Thương mại điện tử cũng giúp người dùng dễ dàng truy cập thông tin về sản phẩm, như nguồn gốc, quy trình sản xuất, và các chi tiết khác giúp họ có cái nhìn tổng quan về sản phẩm trước khi quyết định mua. Ví dụ, khi chọn một quả cam, người tiêu dùng hiện nay có thể biết nguồn gốc của nó, từ vùng trồng đến quy trình chăm sóc, đảm bảo an toàn và chất lượng. Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng và đánh giá về chất lượng sản phẩm, và đồng thời thúc đẩy phát triển tích cực trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh nông sản, đặc biệt là hàng rau củ, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhà sản lập nền tảng Foodmap cho biết một sàn thương mại điện tử tập trung vào lĩnh vực nông sản đạt được thành công là điều khá hiếm hoi trên thế giới.

Có một số sàn thương mại điện tử bắt đầu từ việc bán nông sản và sau đó mở rộng ra bán các mặt hàng khác, hoặc có những sàn lớn đã mở rộng thêm mảng nông sản vào danh mục sản phẩm của họ, như Alibaba hoặc Pinduoduo chẳng hạn. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, chưa có nhiều ví dụ về sàn thương mại điện tử chỉ tập trung vào nông sản mà đã đạt được thành công đáng kể.

2. Thương mại điện tử cho nông sản tại Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất, nước, biển, rừng, đa dạng sinh học… để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với diện tích đất nông nghiệp trên 81.000 ha, chiếm 53,26% tổng diện tích tự nhiên (trong đó, có trên 41.000 ha đất trồng lúa, khoảng 2.000 ha đất trồng cây hàng năm, trên 5.000 ha đất trồng cây lâu năm; diện tích đất rừng khoảng 18.000 ha). Cùng với đó là hệ thống vũng, vịnh, áng, bán đảo và đảo ven bờ rất thuận lợi cho phát triển thủy sản, là ngư trường có nguồn lợi thủy hải sản phong phú (Lan Hạ, Cát Bà, Cát Hải…).

Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để Nghị quyết 45 đi vào cuộc sống, trong giai đoạn (2019-2023) hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng được ban hành để từng bước cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm thực hiện thành công đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp Hải Phòng.

Từ đó, nông nghiệp thành phố Hải Phòng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2019-2023 là 1,53%/năm (tăng 0,11 phần trăm so với giai đoạn 2014-2018 là 1,42%/năm). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) năm 2023 đạt trên 26.000 tỷ, gấp 1,24 lần năm 2018. Giá trị tăng thêm khu vực NLTS năm 2023 đạt trên 13.000 tỷ, gấp 1,26 lần năm 2018.

Nông nghiệp của thành phố Hải Phòng tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của toàn thành phố (3,4%) nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và cung cấp “đầu vào” lương thực, thực phẩm phục vụ cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch của thành phố.

Từ thực tế đó, nông nghiệp Hải Phòng vẫn là nền tảng cho ổn định đời sống trong nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp từ 56,73% năm 2019 xuống 55,23% năm 2023; tỷ trọng thủy sản tăng từ 43,08% năm 2019 lên 44,60% năm 2023 và thủy sản duy trì là ngành sản xuất mũi nhọn của thành phố.

Những năm qua, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những bước chuyển biến vượt bậc. Các mô hình sản xuất nông nghiệp đã áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguồn lực lao động, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu…

Hiện đã có 100% sản phảm OCOP (219 sản phẩm) của thành phố Hải Phòng tham gia các sàn thương mại điện tử. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 4/5 chỉ tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 là 90% hồ sơ công việc xử lý trên môi trường mạng;100% cơ quan tham gia mở, cung cấp dữ liệu mở phục vụ chuyển đổi số; trên 90% văn bản được ký số và 100% cơ quan ứng dụng CNTT quản lý cán bộ, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ khác.

Tại Hải Phòng, từ tháng 9/2021, địa phương đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đến nay, không ít hộ, đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển động, tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT, mở ra những hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo phản ánh của các hộ sản xuất, HTX có nông sản "lên sàn", đây là kênh bán hàng tốt, giải pháp quan trọng giúp quảng bá nông sản, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ mạnh, góp phần hạn chế tình trạng "được mùa, mất giá". Cũng nhờ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại, hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nắm bắt thêm được diễn biến thị trường để từ đó điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Mặc dù rất nỗ lực trong việc hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại, song trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, hiện số hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tuy nhiều nhưng đa số có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, sản phẩm ít, sức cạnh tranh chưa cao, khả năng làm thương mại còn hạn chế nên việc tiếp cận với các sàn TMĐT còn chậm, đạt hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, việc triển khai kết nối giới thiệu các hộ sản xuất kinh doanh nông sản phù hợp với các sản phẩm có bao bì, tem nhãn nên khó triển khai với các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chưa thực hiện bao bì, tem nhãn.

Còn theo ông Lương Hải Âu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, hiện tại, chỉ tiêu số hộ tham gia tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng và số hộ tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm vẫn dừng lại ở mức độ thấp. Việc hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch TMĐT chỉ phù hợp với các cơ sở có sản phẩm đã được đóng gói, có tên sản phẩm, tên của cơ sở… nên khó triển khai với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm ít. Cùng với đó, việc lấy thông tin của các hộ sản xuất nông nghiệp còn thiếu một số trường theo yêu cầu của Bộ nên khó khăn trong công tác tạo tài khoản; các doanh nghiệp chưa nhận được sự tham gia của các quận, huyện đối với việc triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; khó khăn trong việc bố trí kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Các tiêu chí hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT đang là giải pháp hiệu quả và là xu hướng nhằm tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững; vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và các mặt hàng nông sản trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo UBND thành phố Hải Phòng, liên quan đến việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thành phố Hải Phòng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ sản xuất nông nghiệp tại thành phố, người tiêu dùng tại địa bàn thành phố về Chương trình hỗ trợ, tiện ích của việc bán hàng, mua hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn… góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường nội địa.Về phía Sở Công Thương Hải Phòng cũng đã xây dựng “Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp Hải Phòng quảng bá, xúc tiến bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT” và “Đề án Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của thành phố Hải Phòng”, đồng thời đăng ký với UBND thành phố và Bộ Công Thương, dự kiến triển khai trong năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã kết nối, giới thiệu đưa được gần 100 mã sản phẩm của 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản lên các sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, cung cấp danh sách 126 sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố; 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn và các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu tham gia bán sản phẩm trên sàn TMĐT phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thái Hoàng - Giám đốc Chi nhánh Viettel Post Hải Phòng, hiện sàn Voso.vn đã và đang hỗ trợ người nông dân cũng như cơ sở sản xuất về các sản phẩm nông, lâm, nghiệp, đưa lên sàn, cung cấp các thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá rõ ràng cho đến người tiêu dùng. Về chi phí gian hàng, doanh nghiệp sẽ miễn phí cho các hộ nông dân, cơ sở sản xuất 100% trong vòng 1 năm và giảm tới 50% phí vận chuyển.

Mới đây, để đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn TMĐT và hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị có sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao và các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu... trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

“Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện để Bưu điện thành phố Hải Phòng, Chi nhánh Viettel Hải Phòng triển khai các chỉ tiêu, đảm bảo ít nhất 70% số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT được tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; ít nhất 60% số hộ tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm; ít nhất 50% số hộ có gian hàng số trên sàn TMĐT; ít nhất 50% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết.

3. Giải pháp

Từ thực tế các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mặt hàng nông sản tham gia thương mại điện tử hiện nay, để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, về xây dựng hệ thống chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT cần có sự đồng bộ và kết hợp tối ưu giữa các vùng miền, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện riêng lẻ dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau. Các Bộ ban ngành nên có hướng phối kết hợp trong hệ thống chiến lược phát triển giữa các mặt hàng và giữa các địa phương, tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau. Điều này sẽ giúp cho quá trình chào bán của người bán và tìm mua của người mua có nhiều thuận lợi.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao mức độ nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh với TMĐT, đặc biệt là các nội dung về pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn về pháp luật cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thông qua những đường dây nóng, chuyên trang và mạng xã hội gần gũi với người dân.

Thứ ba, về xây dựng nguồn nhân lực, cần chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ các đơn vị đào tạo TMĐT để tạo ra nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mỗi địa phương có thể tự mở các lớp đào tạo ngắn hạn, hội thảo chuyên đề hoặc cử đi học tại địa phương khác để nâng cao năng lực về nghiệp vụ thương mại điện tử cụ thể cho các cá nhân, các doanh nghiệp. Song song với việc đào tạo tại địa phương, cần có những chính sách để thu hút nhân lực có chất lượng về TMĐT từ những địa phương khác, đặc biệt là từ các thành phố lớn về để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ nhân lực.

Thứ tư, về xây dựng chính sách và ban hành pháp luật TMĐT, hiện chưa có những chính sách cụ thể cho những khía cạnh thực tiễn đặc thù. Trong quá trình triển khai tuyên truyền về thương mại điện tử đến với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và sản xuất mặt hàng nông sản, có thể nhận thấy là các mặt hàng nông sản có tính chất đặc thù về tiêu chuẩn và có đặc tính cần tiêu dùng ngay nên các chính sách đôi khi còn chưa phù hợp. Các Bộ ban ngành cần hoàn thiện tiêu chuẩn để đồng bộ và tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản tham gia vào TMĐT và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.

Thứ năm, về cơ sở hạ tầng TMĐT, cần tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia để làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển TMĐT. Thực tế hiện nay, ngay cả độ phủ về internet tại các địa phương vùng sâu vùng xa cũng vẫn còn rất thấp, việc tiếp cận TMĐT của người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc trước mắt trong đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là phủ khắp internet để đảm bảo quá trình thông tin được thông suốt. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã và đang quan tâm đến việc đầu tư phần mềm, app TMĐT cho riêng địa phương mình nhưng lại mang tính cục bộ và chưa có sự liên kết với các địa phương khác.

Thứ sáu, về hoạt động kiểm tra, thanh tra trong TMĐT, hiện còn nhiều hạn chế. Tại các địa phương, lực lượng cán bộ thanh tra kiểm tra cũng còn mỏng khó có thể kịp thời và thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đơn vị. Đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhận thức còn hạn chế, nhân lực trình độ chưa cao và đồng đều nên cần có sự kiểm soát sát sao hơn. Các lực lượng cán bộ thanh tra kiểm tra cần hoạt động với tần suất và nội dung kiểm tra nhiều hơn để kịp thời phát hiện ra sai sót, điều chỉnh hoạt động của các đơn vị trong địa phương mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nguyễn Văn Minh (2009), Giáo trình thương mại điện tử căn bản, NXB Thống kê, Hà Nội.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2022). Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022 < https://adtimes.vn/sach-trang-thuong-mai-dien-tu-vietnam-2022>.

Quang Quý, Hoàng Mai (2022). Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Báo Nhân dân. <https://nhandan.vn/dua-nong-san-len-san-thuong-mai-dien-tu-post702524.html>.

Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (2021). Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Tạp chí Tài chính. <https://tapchitaichinh.vn/danh-gia-thuc-trang-quan-ly-nha-nuoc-ve-thuong-mai-dien-tu.html>.

Hải Thanh (2022). Đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước. < https://binhphuoc.gov.vn/vi/doanhnghiep/hoat-dong-trong-tinh/dua-san-pham-nong-nghiep-len-san-thuong-mai-dien-tu-1479.html>.

Hạ Vĩ (2022). Quảng Nam hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Báo Công Thương. https://congthuong.vn/quang-nam-ho-tro-ho-san-xuat-nong-nghiep-len-cac-san-thuong-mai-dien-tu-220335.html.

ThS. Nguyễn Thị Hoài Tư

Trường Đại học Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 11/2024
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy thương mại điện tử đối với nông sản tại Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899