Thực hư câu chuyện xử lý nợ đảm bảo tại Thạch Thất, Hà Tây
TCDN - Theo đơn thư của ông N.V.M (thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) , năm 2011, ông có thế chấp tài sản để ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng cho khoản vay 900 triệu đồng và đã trả nợ gốc 217 triệu đồng.
Mới đây, ông Ng.V.M. (xã Chàng Sơn- huyện Thạch Thất) đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tố một ngân hàng đã thực hiện hành vi đòi nợ bằng giải pháp đe dọa tinh thần của gia đình ông.
Theo đó, năm 2011, ông M. có thế chấp tài sản để ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng khoản vay 900 triệu đồng. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ cộng với dịch bệnh Covid-19 nên kinh tế gia đình gặp khó khăn, chưa trả được đúng hạn.
Ông M. đã 4 lần đơn xin giảm lãi phạt để trả dần làm nhiều đợt. Sau nhiều lần trả nợ thì số nợ gốc của khoản vay còn lại là 433 triệu và tính đến thời điểm sau ngày 30/4 số tiền phạt + tiền lãi + tiền gốc ngân hàng là 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giữa tháng 5/2021, một cán bộ ngân hàng đã dẫn 6 người không rõ dánh tính, người xăm trổ, mặt mũi băm tợn, không kèm giấy tờ về làm việc tại gia đình ông M. Nhóm người này tự ý quay phim, chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý từ gia đình ông, gây hoang mang, sợ hãi cho vợ con và các cháu ông M.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình, chiều muộn cùng ngày, ông M. đã ra UBND xã Chàng Sơn báo cáo và Công an xã vào làm việc và lập biên bản về việc nhóm người đi cùng không xuất trình được giấy tờ tùy thân để chứng minh danh tính.
Theo ông M., việc xuất hiện của nhóm người trên không nằm trong điều kiện đã ký kết trước đó giữa ông và ngân hàng. Ông M. cho rằng ngân hàng đã tự ý phá vỡ hợp đồng, làm sai các điều khoản vào thời điểm hợp đồng chính thức có hiệu lực.
Được biết, ông M. cũng đã gửi đơn thư đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng để làm rõ hành vi, danh tính của những người đã đến nhà ông chiều 13/05/2021.
Ngân hàng khẳng định làm đúng quy định pháp luật?
Liên quan đến vụ việc trên, để làm rõ việc cán bộ ngân hàng đưa nhóm người lạ tới “uy hiếp” gia đình khách hàng để đòi nợ. Mới đây, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ tới ngân hàng để xác minh thông tin.
Trao đổi với PV, đại diện truyền thông ngân hàng cho biết, năm 2011, ông N.V.M. và vợ đã ký kết Hợp đồng tín dụng với ngân hàng để vay số tiền 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng). Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của Bên vay vốn theo Hợp đồng tín dụng trên, ông M. đã thế chấp tài sản là bất động sản tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng tín dụng đã ký kết, ông M. đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng và đến nay khoản nợ đã quá hạn gần 8 năm.
Tính đến ngày 17/05/2021, tổng dư nợ gốc và nợ lãi của gia đình ông M. tại ngân hàng là 2.143.388.169 đồng (hơn 2,1 tỷ đồng).
Vị đại diện cho biết, từ khi phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông M. nhưng Khách hàng không thực hiện.
Nên căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp đã ký kết, ngân hàng đã tiến hành các thủ tục và triển khai thu giữ tài sản bảo đảm nêu trên để xử lý, thu hồi nợ theo quy định pháp luật.
Sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình ông M., ngân hàng đã chấp thuận miễn giảm cho khách hàng 65% tổng số tiền lãi, nộp số tiền 1.200.000.000 đồng (1,2 tỷ) để tất toán khoản vay và giải chấp tài sản bảo đảm.
Sau nhiều lần thông báo bằng văn bản, khách hàng không thực hiện, ngân hàng đã buộc phải thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo của gia đình ông M. theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội.
Ngoài ra, vị đại diện ngân hàng cho biết thêm hiện tại phía ngân hàng vẫn đang tiếp tục làm việc với khách hàng Ng.V.M. để có phương án giải quyết cuối cùng.
Pháp luật cho phép bên cho vay có thể tự mình đòi nợ, hoặc ủy quyền cho bên thứ ba. Tuy nhiên, gia đình ông M. không thực hiện phương án trả nợ đã được phê duyệt.
Vì vậy, ngân hàng đã tiến hành các thủ tục và triển khai thu giữ tài sản bảo đảm nêu trên để xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ ngân hàng đã cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền thu giữ, quản lý Tài sản đảm bảo của ngân hàng, và cung cấp hợp đồng với công ty Kỹ An, giấy điều động của công ty Kỹ An và giấy tờ tùy thân của toàn bộ lực lượng Bảo vệ Kỹ An đi cùng khi có yêu cầu với CA xã Chàng Sơn (có sự chứng kiến của gia đình khách hàng).
Theo quy định pháp luật thì hoạt động cho vay tài sản là một hoạt động dân sự. Mối quan hệ này diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Việc cho vay chắc chắn sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ và quyền được đòi nợ của bên cho vay. Khi đến thời hạn thì người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Đây không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức xã hội.
Nếu trong trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng vì một lý do nào đó mà khách hàng không trả được nợ, thì đó là vi phạm quy định của hợp đồng tín dụng. Lúc này sẽ phát sinh các quyền đòi nợ của bên cho vay. Quyền đòi nợ trên cơ sở nhắc nợ, xác minh đối tượng nợ và thỏa thuận phối hợp phương án trả nợ. Ngoài ra, pháp luật cho phép bên cho vay có thể tự mình đòi nợ, hoặc ủy quyền cho bên thứ ba.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899