Thực trạng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam
TCDN - Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, theo đó Việt Nam xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Tóm tắt
Trong những năm gần đây, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã trở thành xu hướng tại Việt Nam. Qua khảo sát, bài viết chỉ ra rằng việc tiêu dùng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn khá hạn chế mà nguyên nhân lớn nhất đó chính là sự nghi ngờ của người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm cũng như tính hiệu quả của các văn bản pháp luật trong việc khuyến khích các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ cũng như trừng phạt các hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn. Đây là kết quả nghiên cứu thuộc đề tài nghiên cứu mã số KT.19.05 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay đang lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ phía người dân, các nhà sản xuất cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam. Dù chưa có một quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh hay tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách, được lồng ghép quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, theo đó Việt Nam xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết.
Tiếp theo đó, lần đầu tiên thuật ngữ “tiêu dùng bền vững” được nêu ra tại Quyết định số 1393/ QĐ-Ttg, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy việc dán nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội. Khuyến khích tiêu dùng bền vững trong khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng bền vững trong khu vực dân cư, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu ra. Ngoài ra, tiêu dùng xanh cũng được đề cập tới trong một số các văn bản liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...
Hoạt động đẩy mạnh tiêu dùng xanh tại Việt Nam là khá đa dạng, được triển khai ở cấp độ các cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp.
Bài viết có mục đích đánh giá thực trạng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ - một trong các sản phẩm xanh được ưa chuộng hiện nay tại Việt Nam. Bài viết gồm 5 phần, ngoài phần đặt vấn đề, phần 2 sẽ trình bày tổng quan nghiên cứu về tiêu dùng xanh. Phần 3 trình bày phương pháp nghiên cứu. Thực trạng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ và thảo luận được trình bày ở phần 4. Phần 5 sẽ đưa ra các kết luận và khuyến nghị.
2. Tổng quan nghiên cứu
Thay đổi phương thức tiêu dùng theo hướng xanh là chủ đề được quan tâm rộng rãi, bởi nó liên quan tới nhiều chủ thể (cá nhân, hộ gia đình, nhóm, doanh nghiệp, và nhà nước), nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ và quốc tế), nhiều khía cạnh (tiêu dùng không chỉ đơn thuần được xem là đối tượng kinh tế, mà còn phải mở rộng ra cả xã hội và môi trường). Hiện nay, cùng với kinh tế xanh, tiêu dùng xanh đã, đang và sẽ trở thành vấn đề trung tâm, một xu thế tất yếu trên thế giới nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Khái niệm và vai trò của tiêu dùng xanh
Khái niệm tiêu dùng xanh nhấn mạnh vào việc kết hợp nhận thức về môi trường vào quá trình tiêu thụ hay tiêu dùng xanh là một hình thức tiêu thụ cho phép mọi người tham gia bảo vệ môi trường (Sun và cộng sự, 2019). Theo Jonge và cộng sự (2018), tiêu dùng xanh thường được dẫn chiếu tới tiêu dùng 5R, bao gồm: Giảm (Reduction), Đánh giá lại (Revaluate), Tái sử dụng (Reuse), Tái chế (Recycle) và Cứu hộ (Rescue).
Vai trò của tiêu dùng xanh là rất rõ ràng. Vai trò đầu tiên của tiêu dùng xanh phải kể tới, đó là: tiêu dùng xanh góp phần làm giảm các hiệu ứng tiêu cực của tiêu dùng đối với môi trường và hệ sinh thái (OECD, 2008). Ngoài ra, tiêu dùng xanh còn khuyến khích sự phát triển của thị trường sản phẩm xanh (OECD, 2008). Về mặt phát triển bền vững, tiêu thụ xanh có thể giúp duy trì sự cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu và bảo vệ môi trường bằng cách ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tiêu thụ, bao gồm cả việc lựa chọn, sử dụng và xử lý sản phẩm.
Các nhân tố ảnh hưởng tới tiêu dùng xanh
Có rất nhiều nghiên cứu về tiêu dùng xanh dưới các góc độ khác nhau, trong đó, những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu dùng xanh đã thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà nghiên cứu.
Yếu tố đầu tiên được nhắc tới chính là mức giá phụ trội của các sản phẩm xanh hay mức độ chấp nhận chi trả cho sản phẩm xanh (Li và cộng sự, 2016). Mức giá phụ trội hàm ý rằng người tiêu dùng cần phải thanh toán một khoản thêm (extra) cho các sản phẩm xanh so với các sản phẩm thông thường (Li và cộng sự, 2016).
Ngoài ra, các đặc tính về dân số như tuổi, giới tính, thu nhập và trình độ (Laroche và cộng sự, 2001; Dainantopoulos và cộng sự, 2003), hiểu biết của cá nhân về môi trường (Chan, 2001), thái độ của cá nhân đối với môi trường và định hướng giá trị cá nhân (Ramayah và cộng sự, 2010) cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng xanh. Nghiên cứu của Li và cộng sự (2016) đã chỉ ra rằng những người trên 55 tuổi rất sẵn sàng trả thêm khoản phí phụ trội cho việc tiêu dùng sản phẩm xanh, bởi họ muốn bảo vệ môi trường. Theo Sun và cộng sự (2019), trong số các yếu tố nhân khẩu học, giáo dục ảnh hưởng đến tiêu dùng xanh thông qua nhận thức về môi trường, tuổi và vị trí địa lý của hộ gia đình cũng ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của các yếu tố tâm lý, thái độ môi trường và nhận thức về môi trường thúc đẩy tiêu thụ xanh, và truyền thông.
Mối liên hệ giữa đặc điểm cá nhân và mức độ chấp nhận chi trả cho sản phẩm xanh là rất phức tạp (Daimantopoulous và cộng sự, 2003). Một số nghiên cứu chỉ ra sự tương quan thuận chiều giữa mức độ chấp nhận chi trả cho sản phẩm xanh và nhóm nhân tố bao gồm: trình độ, thu nhập, thái độ đối với môi trường như nghiên cứu của Olive và cộng sự (2011), Saphores và cộng sự (2007), Wang và xu (2004). Tuy nhiên, do không thể đo lường trực tiếp mối quan hệ giữa tiêu dùng và hậu quả môi trường từ việc tiêu dùng nên thông thường người tiêu dùng thường đưa ra mức độ chấp nhận chi trả cho sản phẩm xanh ở mức thấp.
Một số nghiên cứu khác như của Rylander và Allen (2001) và Zrnikau (2003) đề cập tới mối liên hệ giữa các nhân tố khách quan (bên ngoài) tới tiêu dùng xanh. Ví dụ, lãi suất kinh doanh hoặc lãi suất của nhà sản xuất có thể có mối quan hệ thuận chiều với tiêu dùng xanh. Hay vị trí địa lý của cửa hàng kinh doanh được đưa vào để đo lường niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và theo hướng những người tiêu dùng này lan tỏa hành động của họ tới thái độ của những chủ thể khác tham gia thị trường (Leary và cộng sự, 2014). Bên cạnh đó, phải kể đến mức độ ô nhiễm môi trường, xu hướng môi trường (Sun và cộng sự, 2019).
Thực trạng tiêu dùng xanh tại Việt Nam
Việt Nam dù chưa có một quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách, được lồng ghép quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.
Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, theo đó Việt Nam xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết. Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 1393/QĐ-Ttg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tại quyết định này, lần đầu tiên thuật ngữ “tiêu dùng bền vững” được nêu ra, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy việc dán nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội, chi tiêu công phải gương mẫu thực hiện theo tiêu chuẩn kinh tế xanh, khuyến khích tiêu dùng bền vững trong khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng bền vững trong khu vực dân cư. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong ba nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu ra. Ngoài ra, tiêu dùng xanh cũng được đề cập tới trong một số các văn bản liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... (Hoang, 2016).
Trong thực tế, hoạt động đẩy mạnh tiêu dùng xanh tại Việt Nam là khá đa dạng, được triển khai ở cấp độ các cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp. Có thể kể tới chương trình cấp Nhãn sinh thái của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương trình Nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương, chương trình Mạng lưới điểm đến xanh được tổ chức tại Hà Nội... Các chương trình đều hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp ý thức được việc đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng xanh là hết sức quan trọng, nhằm làm cho khách hàng hiểu rõ hơn và thực hiện hành vi tiêu dùng xanh. Ở góc độ người tiêu dùng, dễ nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, đến vấn đề “xanh” và “sạch”, coi trọng hành vi mua thân thiện với môi trường. Hầu hết các hộ gia đình đều đã nghe đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh. Chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sự tham gia của hơn 70.000 lượt tình nguyện viên, hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tăng lên từ 40%-60% trong tháng diễn ra chiến dịch tại hệ thống các siêu thị Co.opmart. Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” (Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, 2017). 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Về giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam, các nghiên cứu nhấn mạnh tới việc thay đổi nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường như nghiên cứu của Ngô và Phạm (2019). Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. Bản thân người tiêu dùng cũng cần ý thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng vì sự phát triển bền vững cho muôn đời sau và tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mỗi con người trong xã hội.
Như vậy có thể thấy, có rất nhiều nghiên cứu về sản phẩm xanh trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng trống nghiên cứu về tiêu dùng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam. Điều này thôi thúc nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu về chủ đề này.
3. Phương pháp nghiên cứu và thống kê mô tả dữ liệu
Để đánh giá thực trạng hành vi tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, nhóm tác giả tiến hành thiết kế bảng hỏi. Câu hỏi được thiết kế theo thang đo Likert từ 1 tới 5 trong đó 1 là mức độ đồng ý thấp nhất và 5 là mức độ đồng ý cao nhất. Sau khi chốt nội dung, bảng hỏi được thiết kế trên google docs và nhóm tác giả dẫn link trên mạng xã hội (Facebook) để mọi người trả lời. Thời gian thu thập dữ liệu từ 1/5/2021 tới 31/5/2021. Nghiên cứu thu về 573 câu trả lời, trong đó có 566 câu trả lời hợp lệ.
Bảng 1 dưới đây mô tả chi tiết thống kê về người trả lời. Theo đó, 74,91% số người được hỏi đến từ Hà Nội, 22,26% đến từ các tỉnh/ thành phố khác trong cả nước và chỉ 2,83% người được hỏi đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. 76,86% người trả lời là nữ trong khi đó chỉ 23,14% người trả lời là nam. Về trình độ học vấn, 48,23% đối tượng khảo sát tốt nghiệp đại học, 29,33% có trình độ sau đại học và chỉ 22,44% người trả lời có trình độ tốt nghiệp THPT hoặc thấp hơn.
Phần lớn người trả lời là nhân viên (57,24%), học sinh, sinh viên (28,09%). 10,25% là tự kinh doanh và tỷ lệ hơn 4% còn lại đã nghỉ hưu hoặc trong tình trạng thất nghiệp. Độ tuổi phổ biến của đối tượng khảo sát là từ 35-49 (chiếm 41,34%), từ 21-34 (35,16%), tiếp đến là độ tuổi 15-20 (16,25%). Độ tuổi từ 50 trở lên chiếm 7,25%.
Liên quan tới tình trạng hôn nhân và gia đình, 54,06% người được hỏi đã kết hôn và có con, tiếp đến là 25,27% độc thân hoặc đã li hôn, sống cùng bố mẹ và/hoặc con cái và/hoặc anh chị, bạn bè. 18,02% người trả lời sống một mình (độc thân hoặc đã li hôn) trong khi chỉ 2,65 đã kết hôn nhưng chưa có con. Mức thu nhập phổ biến của các gia đình từ 20 - 40 triệu/tháng (28,62%), 10 - 20 triệu/tháng (26,50%). 20,85% gia đình có thu nhập dưới 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, gần 24% gia đình có thu nhập trên 60 triệu/tháng.
4. Thực trạng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam
Hình 1 dưới đây cho biết tần suất sử dụng thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng tại Việt Nam. Mặc dù hơn 80% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng thực phẩm hữu cơ rất đa dạng về chủng loại (như thịt, hải sản, rau củ...) cũng như việc tiếp cận thực phẩm hữu cơ là dễ dàng tại Việt Nam hiện nay, việc tiêu dùng thực phẩm hữu cơ là chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể, 24% người trả lời tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% và 21% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ 4 - 5 lần/ tuần và 2 - 3 lần/tuần. 38,49% người tiêu dùng còn lại sử dụng thực phẩm hữu cơ 1 lần/tuần, 2 - 3 lần/tháng hoặc không thường xuyên. Đặc biệt, con số người tiêu dùng không thường xuyên sử dụng thực phẩm hữu cơ lên tới 29%.
Tìm hiểu về nguyên nhân của thực trạng này, nhóm tác giả nhận được câu trả lời của người tiêu dùng liên quan tới giá của thực phẩm hữu cơ cũng như sự nghi ngờ của người tiêu dùng về nguồn gốc của sản phẩm. Khoảng 90% người khảo sát đồng ý rằng thực phẩm hữu cơ là đắt so với các sản phẩm khác cùng loại. Tuy vậy, phần lớn người tiêu dùng đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, mặc dù người tiêu dùng đều đồng ý rằng việc tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ hiện nay được xã hội khuyến khích và ủng hộ, tuy nhiên người tiêu dùng chưa đánh giá cao tính hiệu quả của các văn bản pháp lý. Cụ thể: người tiêu dùng cho mức điểm trung bình 3,4 trên thang điểm 5 cho tính đầy đủ của các văn bản pháp luật và quy định cụ thể trừng phạt các trường hợp bán thực phẩm không an toàn, điểm 3,1 trên thang điểm 5 cho các văn bản pháp luật khuyến khích người sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng như tính hiệu quả chung của các văn bản pháp luật.
Như vậy có thể thấy, điều mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhất đó chính là sản phẩm có thực sự là sản phẩm hữu cơ hay không. Hơn 80% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng hiện nay, họ lựa chọn cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ do cửa hàng có nguồn gốc sản phẩm rõ ràng (ví dụ: nhãn hàng cho phép bạn truy xuất nguồn gốc của sản phẩm) hoặc lựa chọn cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ dựa trên sự nổi tiếng của cửa hàng hoặc dựa trên sự giới thiệu của bạn bè và/hoặc đã từng sử dụng các sản phẩm ở đây. Nói cách khác, người tiêu dùng Việt Nam cần một cơ sở để đảm bảo rằng họ thực sự mua được sản phẩm hữu cơ, thực sự mua đúng sản phẩm mà họ chấp nhận chi trả thêm, đắt hơn sản phẩm thông thường.
5. Kết luận và khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay việc tiêu dùng thực phẩm hữu cơ là chưa phổ biến tại Việt Nam cho dù sự hiểu biết của người tiêu dùng về ý nghĩa của thực phẩm hữu cơ đối với sức khoẻ con người và môi trường sống ngày càng tăng, tính đa dạng của thực phẩm hữu cơ ngày càng được cải thiện cũng như người tiêu dùng sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn cho thực phẩm hữu cơ. Vấn đề lớn nhất mà người tiêu dùng quan tâm là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm cũng như tính hiệu lực của pháp luật trong việc khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ chân chính và trừng phạt, răn đe những đối tượng kinh doanh thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không đúng như cam kết. Điều này hàm ý rằng, các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm hữu cơ cần chú trọng hơn tới việc hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về phía cơ quan chức năng, cần có những văn bản pháp lý hiệu quả hơn để khuyến khích các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, đặc biệt cần có hành động quyết liệt hơn để trừng phạt những cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm bẩn, qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chan R.Y. K. (2001). Determinants of Chinese consumers' green purchase behavior. Psychol. Mark., 389-413.
2. Daimantopoulos A., Schlegelmich B.B., Sinkovics R.R., Bohlen G.M. (2003). Can socio-demographics still play a role in profiling green consumers? A review of the evidence and an empirical investigation. J.Bus.Res, 456-480.
3. Hoang, T. T. (2016). Xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới và hàm ý đối với Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, 66-72. doi:https://js.vnu.edu.vn/EAB/article/view/297/283
4. Laroche M., Bergeron J., Barbaro-Forleo G. (2001). Targeting consumers who are wiling to pay more for environmentally friendly products. J. Consumer Mark., 503-520.
5. Li Y., Lu Y., Zhang X., Liu L., Wang M., Jiang X. (2016). Propensity of green consumption behaviors in representative cities in China. Journal of Cleaner Production, 1328-1336.
6. Ngô T. D., Phạm T. N. (2019). Thúc đẩy tiêu dùng xanh của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay. Tạp chí tài chính. Retrieved from http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-day-tieu-dung-xanh-cua-cac-ho-gia-dinh-viet-nam-hien-nay-302162. html
TS. Nguyễn Thị Nhung
TS. Trần Thị Vân Anh
ThS. Đào Thị Thanh Huyền
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
email: [email protected], hotline: 086 508 6899