Tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 2,57% do sản xuất, kinh doanh gặp khó

26/04/2023, 09:52

TCDN - Đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 do hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị gián đoạn, thu hẹp,... thị trường vốn chưa phát huy hiệu quả.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, sự kiện tại SCB ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị gián đoạn, thu hẹp...

Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán), chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thì áp lực vốn đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục ở mức cao, nhất là vốn cho lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng...

Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%).

Theo ông Tú, ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...

Kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho NHNN và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống; trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các tổ chức tín dụng (TCTD), nguy cơ chuyển nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ để tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý theo ông Quang, tại cuộc họp với Thủ tướng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN coi công tác tín dụng là quan trọng; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dành thời gian, dành sự quan tâm cho lĩnh vực này, là nhiệm vụ chính để tháo gỡ cho nền kinh tế; Tập trung huy động, cho vay, để đẩy mạnh khối lượng nhưng vẫn phải đảm bảo chất ượng tín dụng.

NHNN chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây vừa là mong muốn, là lời hiệu triệu, vừa là chỉ đạo của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại có thẩm quyền quyết định lãi suất, quyết định cho vay, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa với mặt bằng lãi suất chung, vì hoạt động ngân hàng là hoạt động có điều kiện; Phải có tinh thần hỗ trợ; quan tâm đến hiệu quả, chia sẻ với doanh nghiệp, khách hàng, hỗ trợ cho nền kinh tế, tập trung vào các dự án lớn, trọng điểm của địa phương.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Phó thống đốc yêu cầu hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, nhưng không hạ chuẩn tín dụng; tiếp tục rà soát, cải tiến, cắt gọn quy trình, thủ tục phức tạp.

Các TCTD quán triệt nội dung văn bản số 2931 (ngày 24/4) liên quan đến cho vay bất động sản. Quan điểm về cho vay bất động sản từ trước đến nay là nhất quán, có sự kiểm soát những phân khúc rủi ro. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước cần tuyên truyền rộng rãi về gói 120 nghìn tỉ đồng, công bố ngay các dự án đã thực hiện được; báo cáo những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Các ngân hàng thương mại khác quan tâm có thể tham gia ngay.

Về lãi suất, tiếp tục triển khai các giải pháp để tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại quy mô lớn giảm lãi suất để có mặt bằng lãi suất hợp lý hơn.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 2,57% do sản xuất, kinh doanh gặp khó tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hết 3 tháng, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2%
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.