TKV nộp ngân sách nhà nước 13,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng

25/10/2021, 08:56

TCDN - Phó Thủ tướng Lê Văn đề nghị ngành than tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên.

Ngày 24/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến kiểm tra tình hình sản xuất, thăm hỏi, động viên công nhân và người lao động đang làm việc hầm mỏ ở độ sâu gần 300 m dưới mực nước biển, tại khu vực mỏ khai thác than Công ty CP Than Núi Béo (Tập đoàn TKV Việt Nam), TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Sau đó làm việc với Tập đoàn TKV Việt Nam.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Tập đoàn đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2021. Theo đó, TKV là một trong số rất ít các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020. Tuỳ theo từng chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng bình quân của Tập đoàn đạt từ 5-8%. Doanh thu ước đạt hơn 96 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 2 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

“Tập đoàn và các đơn vị đồng lòng hỗ trợ cùng chia sẻ khó khăn trong nội bộ cũng như với đối tác, bạn hàng; bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập của 95.000 người lao động”, ông Lê Minh Chuẩn nói. Đặc biệt là ổn định sản xuất, giảm giá than cho sản xuất điện so với năm 2020, góp phần giảm giá bán điện, ổn định đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng cao.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với TKV.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với TKV.

Để phát triển ngành than trong thời gian tới, lãnh đạo TKV đề nghị Chính phủ và Bộ TN&MT xem xét cấp phép khai thác theo hướng xác định đất đá từ khai thác mỏ là “chất thải rắn thông thường, chứ không phải tài nguyên khoáng sản để đưa vào san lấp nhằm gia tăng giá trị than”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng Quảng Ninh tiếp tục là trung tâm năng lượng của đất nước, trong đó có than, điện. Do đó, việc phát triển ngành than phải đáp ứng bảo đảm an ninh năng lượng, trong bối cảnh Quảng Ninh chuyển đổi từ "nâu sang xanh" thì phải hài hòa trong phát triển. Cho rằng chúng ta không còn nhiều trữ lượng than, trong khi số dự án khai thác than xuống sâu còn ít, Thứ trưởng nói cần tăng cường đầu tư trong ngành than, nhất là về khoa học, công nghệ, để mở rộng các dự án khai thác xuống sâu.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn đề nghị ngành than tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên. Phó Thủ tướng đề nghị ngành than chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất; tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành cho phù hợp với tình hình mới và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cũng như dự báo về tài nguyên khoáng sản:

Theo Phó Thủ tướng, “với trữ lượng than hiện nay, chúng ta phái tính tới một chiến lược dài hơi. Vì vậy quy hoạch về trữ lượng này chúng ta phải bảo vệ để khai thác được. Để tính toán ngành than phát triển dài hơi, đề nghị bộ, ngành và các cơ quan Trung ương quan tâm vì đây là nguồn lực rất lớn trong phát triển của đất nước ta”.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TKV, các nhà quản lý, nhà khoa học trong ngành than nghiên cứu các giải pháp để cấp đủ than cho sản xuất điện khi hiện nay chúng ta phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than cho các nhà máy điện trong nước.

Về một số kiến nghị của Tập đoàn TKV, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Công Thương, Tài chính, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo giải quyết. Trong đó chú ý tới việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép khoáng sản để phục vụ các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng công suất mỏ; các thủ tục cấp phép khai thác đất đá thải trong quá trình khai thác than; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 và phát triển ổn định, bền vững.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết TKV nộp ngân sách nhà nước 13,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Năm 2021, tổng doanh thu TKV phải đạt trên 92 nghìn tỷ đồng
Năm 2021 Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đạt sản lượng tiêu thụ 48,9 triệu tấn; tổng doanh thu 92,5 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1,6 nghìn tỷ đồng…