Toàn quốc đã có hơn 4,2 triệu lượt khám chữa bệnh thành công bằng CCCD gắn chíp
TCDN - Sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc đã có 11.945 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đạt 91,5% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên cả nước. Và số người sử dụng, tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp đã đạt hơn 4,248 triệu người.
Đây là kết quả tích cực trong việc triển khai thí điểm tính năng này từ tháng 3/2022 đến nay. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.
BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.
Trước đây, khi vào khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân. Số khác có thể hỏng hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn.
Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD vào khám chưa bệnh BHYT, cả người dân và nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, phần nào giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2022, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực gần 68 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư (Nếu tính theo số người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì số được xác thực đúng là hơn 59.078.677 người (chiếm 69% tổng số người tham gia BHXH, BHYT (85.161.882).
Toàn ngành BHXH Việt Nam đang nỗ lực, cố gắng đến hết năm 2022 sẽ bổ sung cập nhật, xác thực số ĐDCN với CSDL quốc gia về dân cư cho tối thiểu 90% người tham gia (theo Kế hoạch số 2207/KH-BHXH ngày 12/8/2022 của BHXH Việt Nam về việc triển khai cập nhật bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia trong CSDL BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID).
Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 62.044.274 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 11.945 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 91,5% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 6.745.162 lượt tra cứu, trong đó có 4.248.553 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.
Cũng theo thông tin từ BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 06/12/2022, tổng giá trị sổ BHXH, thẻ BHYT đã huy động được trong toàn quốc cho Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT tới người có hoàn cảnh khó khăn do BHXH Việt Nam phát động là 46,871 tỷ đồng. Trong đó: Tại Trung ương trên 25,4 tỷ đồng; ngành BHXH Việt Nam gần 4 tỷ đồng; tại địa phương 17,47 tỷ đồng.
Chương trình là một hoạt động xã hội, gắn với thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được đề ra tại Nghị quyết của Trung ương, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, huy động sự chung tay, chia sẻ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành BHXH Việt Nam với người có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng mong muốn huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn chưa có sổ BHXH, thẻ BHYT, bệnh nhân BHYT nghèo được tham gia vào mạng lưới an sinh, qua đó lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo, chia sẻ của chính sách BHXH, BHYT sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Đối tượng tặng sổ BHXH, thẻ BHYT là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng không được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT sau khi triển khai Quyết định 861/QĐ-TT ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; người chưa có thẻ BHYT thuộc diện “thoát nghèo” sau khi rà soát theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021; người thuộc hộ nghèo chưa tham gia BHXH, người thuộc hộ cận nghèo người có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899