Tp.HCM: Kiến nghị tăng 1.026 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài

11/07/2023, 14:56
báo nói -

TCDN - Nhằm nâng cao tỷ lệ phần trăm góp vốn của Nhà nước trong dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài để thu hút nhà đầu tư tham gia, UBND Tp.HCM đề xuất tăng thêm 1.026 tỷ đồng vốn ngân sách.

Sáng 10/7, tại ngày họp đầu tiên kỳ họp thứ 10, HĐND Tp.HCM khóa X, UBND thành phố đã trình tờ trình điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Trước đây, HĐND Thành phố đã ban hành các Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 và Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 với một số nội dung chính về quy mô, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài.

UBND Tp.HCM đề xuất tăng thêm 1.026 tỷ đồng vốn ngân sách vào dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài. Ảnh minh họa.

UBND Tp.HCM đề xuất tăng thêm 1.026 tỷ đồng vốn ngân sách vào dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài. Ảnh minh họa.

Cụ thể, về quy mô đầu tư, theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận Tp.HCM (từ đầu tuyến đến trước nút giao Đường tỉnh 787B) đáp ứng 8 làn xe; đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50 km, trong đó đoạn qua Tp.HCM là 23,7 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3 km. 

Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 15.900 tỷ đồng, trong đó: chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư; chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng. 

Trong kỳ họp này, UBND Tp.HCM đề xuất HĐND xem xét, chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 có quy mô đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc. Tăng chiều dài toàn tuyến lên khoảng 51,171 km.

UBND Thành phố cho biết chiều dài tuyến tăng do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến qua khu vực kho đạn K75 thuộc huyện Củ Chi, Tp.HCM và qua trận địa pháo binh thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. 

Như vậy, về tổng mức đầu tư (giai đoạn 1), UBND Thành phố cũng đề xuất tăng lên 21.527 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng là 9.885 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.748 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 6.900 tỷ đồng (trên địa bàn Tp.HCM là 5.395 tỷ đồng (giảm 506 tỷ so với 5.901 tỷ); trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.505 tỷ đồng (giảm 27 tỷ so với 1.532 tý); chi phí dự phòng là 1.994 tỷ đồng. 

Về cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư dự án; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư dự án. 

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND thành phố báo cáo HĐND Thành phố xem xét, quyết nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô dự án và cho phép Thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố tham gia vào hỗ trợ cho công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP. 

Nhân dịp này, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2023, trong đó có dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài. Dự án này dự kiến thu hồi khoảng 204 ha đất ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi). 

Theo UBND Tp.HCM. việc tăng thêm vốn nhằm nâng cao tỷ lệ % góp vốn Nhà nước trong dự án, tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn gian đoạn 2026 - 2030, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà HĐND Thành phố đã thông qua. 

UBND Thành phố cũng sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về phương án chi 2.900 tỷ đồng ở bước tiếp theo. Như vậy, tổng vốn Ngân sách Thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình HĐND Thành phố trước đây; trong đó, 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Kiến nghị tăng 1.026 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tp.HCM: Kiến nghị thu hồi 12 tỷ đồng trong 6 tháng
Trong 6 tháng đầu năm, UBND Tp.HCM thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 59,7 tỷ đồng. Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 12 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác về kinh tế 47,6 tỷ đồng.
Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đầy đủ nhất nước
Sở hữu bộ tứ hạ tầng giao thông: Không – Thủy – Bộ – Sắt, Đà Nẵng đang không ngừng phát huy thế mạnh bằng việc tập trung phát triển mới cũng như nâng cấp nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và giới chuyên gia, cư dân toàn cầu.