TP.HCM: Những ai được ra đường sau 18h?

26/07/2021, 18:27

TCDN - Cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng chống dịch, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước,… là những trường hợp được ra ngoài sau 18h theo văn bản khẩn UBND TP.HCM vừa ban hành.

Ngày 26/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường.

Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hôm sau.

UBND TP.HCM cũng công bố các đối tượng và phương tiện được phép ra đường sau 18h, gồm các trường hợp:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật

- Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu.

- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố.

Thời gian thực hiện từ ngày 26/7 đến hết ngày 1/8.

TP.HCM thắt chặt di chuyển, giới hạn khung giờ được ra đường.

TP.HCM thắt chặt di chuyển, giới hạn khung giờ được ra đường.

UBND TP.HCM giao Công an TP phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan liên quan thống nhất, hướng dẫn cụ thể về nhận diện lực lượng, phương tiện được lưu thông sau 18h.

Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP và UBND các địa phương có trách nhiệm tổ chức chốt, trạm để ngăn cách và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 các tuyến đường liên phường. Mục tiêu là đảm bảo việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.

Với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Với khu phong tỏa, TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".

Hiện TP.HCM là đang là tâm dịch lớn nhất cả nước. Tính từ 27/4 đến trưa 26/7, TP.HCM ghi nhận 62.139 ca COVID-19. 

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Những ai được ra đường sau 18h? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tp.HCM siết chặt giờ giấc ra đường từ 26/7
Bắt đầu từ tối 26/7, người dân Tp.HCM không ra đường sau 18 giờ, tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu...
Sáng 22/7: Cả nước thêm 2.967 ca COVID-19, riêng Tp.HCM 2.433 ca
Sáng 22/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 2.967 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận trên cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh đã 2.433 ca. Hiên đã có tổng cộng 71.144 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam, riêng số ca mắc mới ghi nhận trong nước tình từ ngày 27/4 đến nay là 67.473 ca.