Trà Vinh cán đích thu ngân sách nhà nước với gần 13.000 tỷ đồng
TCDN - Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Trà Vinh ước trên 12.900 tỷ đồng, đạt 100,28% nghị quyết.
Hội nghị Tỉnh ủy Trà Vinh lần thứ 14 sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quý 3 và 9 tháng đầu năm, xây dựng chương trình công tác 3 tháng cuối năm 2023 của Tỉnh ủy nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đến nay có 20/31 chỉ tiêu chủ yếu được đánh giá đạt và vượt.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng tăng trưởng 8,51%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước gần 21.800 tỷ đồng, tăng 2,04%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước trên 26.600 tỷ đồng, tăng 12,48% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại - dịch vụ tăng mạnh, trong 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên 41.800 tỷ đồng, tăng 21,23% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước trên 12.900 tỷ đồng, đạt 100,28% nghị quyết. Công tác xây dựng cơ bản giải ngân đạt 52,54% kế hoạch.
Báo cáo của tỉnh Trà Vinh tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và giải quyết, xử lý một số kiến nghị, tạo điều kiện cho Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững đánh giá trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,51% (xếp thứ 2/13 vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11/63 cả nước); trong đó công nghiệp tăng 17,39%, riêng sản xuất điện tăng 27,23%. GRDP bình quân đầu người đạt 75,97 triệu đồng/người/năm.
Các lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 26.630 tỷ đồng, tăng 12,48%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.798 tỷ đồng, tăng 2,04%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt hơn 41.886 tỷ đồng, tăng 21,23%.
Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, có 8/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 208 sản phẩm OCOP.
Đầu tư được đẩy mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 22.100 tỷ đồng, tăng 14,15%, giải ngân vốn đạt 52,54%; thu hút được 9 dự án đầu tư trong, ngoài nước.
Liên kết kinh tế, liên kết vùng với các địa phương trong vùng và cả nước được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; công tác đối ngoại được tăng cường.
Cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh; cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2022 xếp 26/63), thúc đẩy chuyển đổi số và điều hành thông minh.
Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; đầu tư nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,86%. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo (tỉ lệ hộ nghèo còn 1,88%, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 3,61%)...
Về định hướng phát triển, Thủ tướng nêu rõ, Trà Vinh cần tập trung cụ thể hóa, triển khai 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, nhà nước xác định (hạ tầng, thể chế, nhân lực) trên cơ sở điều kiện, đặc thù của Trà Vinh.
Theo đó, về hạ tầng, cần đột phá về đường bộ cao tốc, đường thủy nội địa và hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, đột phá về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để phát huy các thế mạnh của tỉnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu… Thứ ba, đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ.
Cùng với đó, Trà Vinh cần phát triển dựa trên các trụ cột: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tư duy kinh tế nông nghiệp; kinh tế biển làm động lực; công nghiệp tập trung vào chế biến nông sản, năng lượng tái tạo… Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế, khai thác tốt lợi thế tuyến hàng hải của vùng. Phát huy nguồn lực về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh tập trung nguồn lực, tăng thu tiết kiệm chi, cùng Trung ương quyết liệt triển khai một số dự án để tháo gỡ nút thắt về giao thông, từ đó kết nối với các dự án lớn về hạ tầng giao thông trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch, lập dự án, huy động nguồn lực để xây dựng cao tốc mới kết nối cầu Cổ Chiên hiện hữu và cầu Đại Ngãi vừa khởi công, xây dựng cầu Cổ Chiên 2 ở phía hạ nguồn để kết nối ven biển Trà Vinh - Bến Tre, sớm đầu tư cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối tuyến đường ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng cảng biển nước sâu cho Trà Vinh...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899